Manh mối từ “cái nôi của loài người”Trước đây, nói về nguồn gốc bệnh của người hiện đại, các nhà khoa học thường nghĩ tới thời điểm con người bắt đầu thuần hóa động vật hoang dã và khi bắt đầu quá trình đô thị vào Kỷ nguyên Neolithic - khoảng 12.000 năm trước. Do đó, các nghiên cứu về nguồn gốc bệnh thường chỉ tập trung vào động vật nuôi và môi trường sống ngoài châu Phi.
Tuy vậy, tiến sỹ Charlotte Houldcroft - chuyên gia nhân chủng học, Đại học Cambridge và tiến sỹ Simon Underdown - chuyên gia về tiến hóa ở người, Đại học Oxford Brookes (Anh) - sau khi thu thập, phân tích những mẫu gene bệnh phẩm và DNA lấy từ các xương cổ đại đã chỉ ra rằng: Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm đã “cùng tồn tại với sự tiến hóa của loài người, có tuổi đời từ hơn 10.000 tới một triệu năm trước”. Nhiều nhà khoa học đã bắt đầu tin rằng những căn bệnh truyền nhiễm nhiệt đới từ rất lâu đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người.
Nhà khảo cổ học tiền sử Riaan Rifkin - Đại học Pretoria, Nam Phi - cho rằng, khu vực châu Phi, cận Sahara - cái nôi của loài người hiện đại, có thể là nơi tìm thấy chứng cứ quan trọng về tính dễ mắc bệnh của cư dân tiền sử, những người đã định cư ở vùng đất này trong suốt hơn 150.000 năm.
“Tuy các nhóm người sống bằng nghề săn bắn và hái lượm không mang trong mình những mầm dịch bệnh như sởi hay cúm, nhưng các vector mầm bệnh hiện đại đều được chứng minh là có nguồn gốc từ thời Pleistocene” - Rifkin cho hay.
Giải thích việc này, ông Rifkin nói: “Chúng ta đều biết rằng, gần 80% cư dân tiền sử sống nhờ săn bắn, hái lượm đã chết vì bệnh khi chưa tới tuổi sinh sản. Nhìn từ góc độ khảo cổ tiến hóa, những căn bệnh này đã tạo điều kiện để người tiền sử hình thành cơ chế phòng bệnh lây nhiễm hiệu quả. Mầm bệnh lúc này ngoài vai trò giúp hình thành hệ thống miễn dịch sinh học cho con người còn được coi là một yếu tố chọn lọc giúp phát triển “hệ thống miễn dịch hành vi” (có thể hiểu là cơ chế tâm lý cho phép các cơ quan trong cơ thể nhận biết mối nguy hiểm và kích hoạt các phản ứng để ngăn chặn chúng).
Hành trình giải mã bí ẩn lớnTrước Rifkin và đồng nghiệp, các chứng cứ lịch sử về mầm bệnh thời tiền sử đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các nhà khoa học dễ dàng hơn trong việc phân loại và phác thảo nguồn gốc địa lý của bệnh. Tuy vậy, để có được bản đồ hoàn chỉnh về nguồn gốc bệnh của loài người, chúng ta còn thiếu những phân tích về vector côn trùng, ký sinh trùng đường ruột và DNA mầm bệnh tiền sử từ thời tiền sử ở châu Phi.
Rifkin và đồng nghiệp đang phân tích các mẫu đất khảo cổ có liên quan tới hoạt động của người tiền sử cũng như nơi ở của họ ở trong hang. Họ cũng đang phân tích hóa thạch từ thời đồ đá giữa và thời đồ đá cuối tại các khu khảo cổ có niên đại từ 150.000-1.500 năm trước. Những khu vực này có đầy đủ chứng cứ về hành vi của người hiện đại. Các nhà khảo cổ Nam Phi đã tìm thấy những ví dụ đầu tiên về nghệ thuật trừu tượng và tượng trưng ở đây. Những chứng cứ này cho thấy tổ tiên của chúng ta đã sử dụng lửa để tạo công cụ bằng đá và chế ra một số đồ trang trí cá nhân, mỹ phẩm lâu đời nhất từng được biết đến.
Họ tập trung vào 3 nguồn thông tin khảo cổ chính là vector bệnh do côn trùng gây ra (bọ chét, chấy rận và bọ ve), ký sinh trùng đường ruột và các mầm bệnh là vi khuẩn ở mức độ vĩ mô, vi mô và phân tử.
Trong phòng thí nghiệm, sau khi xem xét các vector và trứng ký sinh, các nhà khoa học dùng phương pháp tiếp cận phân tử sinh học để tìm kiếm những mầm bệnh tiền sử. Với sự giúp sức của Trung tâm Sinh thái vi sinh vật và Gene, Rifkin hy vọng họ có thể thu được những kết quả đáng khích lệ với những mẫu vật tiền sử. Sau đó, họ sẽ sử dụng các phương pháp giải trình tự DNA để tìm kiếm các virus mầm bệnh, vi khuẩn và các vi sinh vật có nhân điển hình khác trong các mẫu vật tìm thấy để trả lời câu hỏi: Những mầm bệnh nào có nguồn gốc châu Phi? Chúng phân tán bằng cách nào?...
Tham vọng của Rifkin và đồng nghiệp sau khi giải mã được vector bệnh và gene mầm bệnh để hiểu nguồn gốc, vòng đời và tỉ lệ lây lan các căn bệnh tiền sử đối với người tiền sử ở châu Phi là lập biểu đồ so sánh DNA của mầm bệnh hiện đại và tiền sử. Các mầm bệnh tiền sử có thể sẽ giúp sản xuất các loại vắcxin mới và kết quả nghiên cứu của họ có thể giúp tìm ra những mầm bệnh hiện đại có liên quan tới những mầm bệnh cổ đại, từ đó nghiên cứu cách chữa trị những căn bệnh thời hiện đại.