Cây lan hạt dưa (cây đô la) nổi bật nhờ bộ lá và thân leo rũ nên rất được ưa chuộng trồng để trang trí nhà cửa, ban công, văn phòng, hàng quán… Theo các chuyên gia phong thủy, đặt một giỏ lan hạt dưa trong nhà sẽ giúp hút tiền tài, may mắn cho gia chủ.
Chậu lan hạt dưa mới trồng một thời gian ngắn. Ảnh minh họa.
1. Dụng cụ trồng và đất trồng
Để đảm bảo tính thẩm mỹ, bạn nên trồng cây lan hạt dưa ở chậu treo như chậu trái dừa, chậu vỏ sò, chậu nhựa, chậu đất nung… Lưu ý: Dưới đáy dụng cụ trồng phải đục lỗ để thoát nước.
Cây lan hạt dưa có tốc độ sinh trưởng trung bình. Cây chịu bóng bán phần và phát triển được ở nhiều điều kiện khác nhau.
Đất trồng lan hạt dưa là loại đất tơi xốp, hút nước và thoát ẩm nhanh chóng. Bạn có có thể trộn thêm đất + tro trấu + xơ dừa + vôi bột theo tỉ lệ 1:1:1:1.
Chậu lan hạt dưa xanh tốt. Ảnh minh họa.
2. Trồng cây
Cây lan hạt dưa thường được nhân giống bằng phương pháp tách bụi và giâm cành.
Tách bụi: Chọn cây con khỏe mạnh, tách khỏi thân cây mẹ và trồng xuống như những cây khác. Tưới nước giữ ẩm cho cây.
Giâm cành: Chọn cành giống già, có rễ. Để phần gốc và thân ở tư thế nằm ngang và lấp đất lên, phần đất lấp chỉ cần qua mép trên của thân chúng là được. Sau đó, giữ ẩm vừa phải thì cành lan hạt dưa sẽ nhanh chóng phát triển thành cây con.
Để tiết kiệm thời gian và công sức thì bạn có thể mua sẵn cây giống ở cửa hàng bán cây cảnh.
Chậu lan hạt dưa. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Tưới phun nhẹ lên bề mặt lá, tưới thường xuyên, lượng nước không cần nhiều. Vào mùa khô ngày tưới từ 1 - 2 lần. Mùa mưa thì hạn chế thời gian tưới và lượng nước tưới cho mỗi chậu hoa treo.
Cho cây thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhẹ.
Hàng tháng nên bón phân cho cây bằng các loại phân giàu dưỡng chất như phân vi sinh, trùn quế, NPK, hữu cơ….
Nên tỉa xén thường xuyên giúp cây duy trì được hình dáng cũng như phát triển tốt hơn. Khi cây xuất hiện các lá vàng, lá úa, lá héo thì phải cắt bỏ ngay.
Lương Ngọc (Tổng hợp)