Nghệ thường được biết đến như một loại gia vị, phổ biến trong bột cari, bên cạnh đặc tính kháng viêm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra nghệ có thể mang lại hiệu quả đối với chứng viêm khớp mãn tính và viêm khớp dạng thấp nhưng theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thì cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về các tác động của nó tới sức khỏe.
Người phụ nữ tại Arizona bắt đầu dùng thực phẩm chức năng từ nghệ sau khi đọc một bài báo về một nghiên cứu trên động vật nêu tác dụng chống đột quỵ của nghệ. Cùng lúc đó, bà còn sử dụng tới 20 loại thuốc và thực phẩm chức năng khác - tất cả các bác sỹ và dược sỹ đều biết đến các loại thuốc và thực phẩm chức năng bà uống, ngoại trừ nghệ. Sau 8 tháng, kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nồng độ enzyme trong gan của bà tăng lên rất cao – một dấu hiệu cho thấy những vấn đề về gan.
Các xét nghiệm khác cho thấy, bà đã mắc chứng viêm gan tự miễn – tức hệ thống miễn dịch của cơ thể chuyển sang tấn công gan, gây viêm và tổn thương gan.
Tinh chất nghệ chưa hẳn đã tốt như quảng cáo. Ảnh: Shutterstock
Sau nhiều cuộc chẩn đoán, các bác sỹ cho rằng bà cần được theo dõi chặt chẽ, dù chưa cần được điều trị theo một chế độ đặc biệt. Nhưng khoảng 3 tháng sau, bà nói với bác sĩ gia đình của mình là đã ngừng sử dụng bột nghệ, sau khi tham khảo trên mạng về mối liên hệ có thể có đối với các vấn đề về gan.
Đây là lần đầu tiên, bà hé lộ thông tin với bác sỹ của mình về việc uống thực phẩm chức năng từ nghệ. Và bà nghi ngờ, sự liên quan của nghệ với những vấn đề về gan là đúng – sau khi dừng dùng nghệ, bác sỹ của bà nhận thấy sự tăng lên nhanh chóng về các enzyme ở gan.
Trong khoảng 10 – 15 % số ca viêm gan tự miễn có nguyên nhân là do các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng kích hoạt điều kiện gây bệnh. Các trường hợp này đều được gọi là viêm gan tự miễn do thuốc, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa rõ về cơ chế gây bệnh của nó như thế nào. Trong một số trường hợp, sự phân rã thuốc có thể dẫn đến việc hình thành các phân tử có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch.
Những báo cáo trước đây cũng cho thấy, khoảng 5% trong số 35 trường hợp (sử dụng thực phẩm chức năng từ nghệ) được khảo sát là có dấu hiệu mắc các bệnh về gan - có thể liên quan đến kết hợp dùng chung những loại thuốc hoặc chất bổ sung khác. Ngoài ra có một vấn đề đáng chú ý là đa phần các trường hợp đều là những người lớn tuổi hoặc nghiện rượu, vốn đã có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hiện tại, các tác giả của nghiên cứu tại Viện NIH vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn, rằng liệu nghệ có phải là thủ phạm chính khiến men gan của người phụ nữ tăng đột biến hay không. Họ chưa có trong tay thứ thực phẩm chức năng từ nghệ mà người phụ nữ ở bang Arizona đã dùng để xét nghiệm thành phần, rất có thể chính các thành phần nhiễm độc khác trong sản phẩm, chứ không phải nghệ, đã gây kích hoạt cơ chế miễn dịch; Bên cạnh đó, khả năng nghệ khi được sử dụng kết hợp cùng các loại thuốc bổ sung khác đã đem đến tình trạng này cũng là rất cao.
Dẫu vậy, báo cáo trên cũng góp phần nhấn mạnh sự cần thiết phải có những thảo luận – giữa người bệnh với bác sĩ, dược sĩ và chuyên gia dinh dưỡng - liên quan đến việc áp dụng chế độ ăn uống bổ sung, làm sao để tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với các bệnh nhân lớn tuổi, những người hay phải uống nhiều loại thuốc, bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh về gan cao.