Vì đâu mà cô gái Canada gốc Việt Jennifer Pan - vốn là con ngoan, trò giỏi - thuê 3 sát thủ giết cha mẹ mình? Theo các chuyên gia, những kẻ hành động cực đoan như vậy thường có khí chất yếu đuối và nguồn gốc tội ác của họ có thể bất ngờ đến khó tin.

Các vụ thảm sát, giết người rồi tự tử hay đánh bom liều chết xảy ra gần đây làm dấy lên câu hỏi nguồn gốc và diễn biến tâm lý nào có thể dẫn đến hành vi tội ác cực đoan như vậy? Đây là điều mà các chuyên gia tâm lý quan tâm lý giải.

Kẻ cực đoan thường có khí chất yếu đuối

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học cảnh sát - phân tích, môi trường sống căng thẳng, áp lực từ sự cạnh tranh về quyền, tiền, tình... khiến nhiều người luôn gồng mình lên, thậm chí thay đổi lối sống, tư duy, tâm lý và có thể trở nên ích kỷ, bạc ác, vô cảm. Bi kịch của Jennifer Pan - cô gái gốc Việt ở Canada thuê người giết cha mẹ năm 2015 - là một ví dụ.

Jennifer Pan (giữa) - cô gái thuê sát thủ giết cha mẹ. Ảnh: Oxygen
Jennifer Pan (giữa) - cô gái thuê sát thủ giết cha mẹ. Ảnh: Oxygen

Jennifer từng có thành tích học tập xuất sắc. Để duy trì phong độ này của con gái, bố mẹ cô không chấp nhận điểm B (khá), cấm đi chơi, hẹn hò... Nhà họ chỉ trưng bày các giải thưởng của Jennifer. Họ nở mày nở mặt khi con gái khoe giành nhiều học bổng, được vào trường đại học danh giá, ra trường làm việc ở bệnh viện. Thực ra đó chỉ là sự tô vẽ của cô con gái để làm hài lòng bố mẹ, bởi Jennifer thậm chí còn trượt tốt nghiệp trung học.

Chuyện vỡ lở, Jennifer bị bố mẹ kiểm soát gắt gao và để thoát khỏi sự cầm tù, cô thuê 3 sát thủ ra tay khiến mẹ chết, cha bị thương nặng. Cô nhận án tù chung thân, không ân xá trong 25 năm.

Lý giải những yếu tố có thể dẫn tới tâm lý cực đoan, ông Đỗ Cảnh Thìn phân tích, con người có 4 nhóm khí chất cơ bản: Mạnh mẽ, linh hoạt, hài hước, yếu đuối. Thường cả 4 loại này đan xen nhau cùng tồn tại, trong đó một khí chất trội hẳn. Người cực đoan thường có khí chất yếu đuối, không làm chủ được tình huống và tâm lý của mình. Họ hay suy diễn, tư duy theo hướng tiêu cực, bi kịch hóa vấn đề.

Yếu tố xã hội cũng góp phần gây ra trạng thái tâm lý cực đoan. Những sức ép về kinh tế, đời sống, tình cảm… có thể đẩy con người vào trạng thái bị dồn nén và nếu không có điều kiện “giải nén”, họ dễ bị cuốn vào vòng luẩn quẩn, bị các mối quan hệ tiêu cực chi phối, làm bùng lên hành vi cực đoan nếu gặp phải môi trường bất lợi.

Nhiều nhà tâm lý trên thế giới từng cảnh báo, chính việc bị gạt ra bên lề xã hội, không có cơ hội sự nghiệp, bị phân biệt đối xử… đã khiến nhiều thanh niên Hồi giáo ở phương Tây phẫn uất rời bỏ quê nhà, gia nhập IS.

Kiểu người nào dễ thành kẻ cực đoan?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội) - cho rằng, có hai yếu tố dẫn đến tâm lý cực đoan là nội giới và ngoại cảnh. Yếu tố nội giới liên quan đến các xung đột, dồn nén, mặc cảm vô thức. Chẳng hạn, người mất niềm tin vào cuộc sống có thể tự tử và sát nhân. Các mặc cảm tự ti, tự tôn, sự kìm nén khát vọng quá lớn, sự tín chấp vào các chủ thuyết, giá trị cũng có thể dẫn đến tâm lý cực đoan.

Các yếu tố ngoại cảnh như sự phân hóa giàu nghèo, giai cấp, phân biệt chủng tộc, niềm tin tôn giáo theo hướng độc quyền chân lý… có thể làm tích lũy những dồn nén vốn ẩn trong vô thức. Môi trường bị tàn phá cũng tác động rất mạnh đến sự cân bằng tâm lý. Sống trong một môi trường xấu, căng thẳng, con người dễ bị kích động hơn.

Theo ông Bình, một số kiểu người có nguy cơ cao trở thành kẻ cực đoan như: Người mê tín đến cuồng tín hoặc coi mình luôn đúng; người tự ti hoặc tự tôn sâu sắc; người quá tham lam; người quá cố chấp, tự ràng buộc vào một quan niệm, một giá trị. Chẳng hạn, nhiều phụ nữ vì quá ràng buộc vào quan niệm chung thủy nên khi biết chồng ngoại tình thì ôm con nhảy sông.

Có những người mang tâm lý cực đoan nhưng gặp rào cản đạo đức hoặc vì yếu thế nên không làm hại người khác mà quay sang tự hành hạ mình. Có người giải tỏa sự mất cân bằng bên trong bằng cách tấn công hay điều khiển người khác, hoặc cả hai. Giới hạn của hành động tuỳ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể, nhưng với một người hoàn toàn mất kiểm soát, không thể lường hết điều gì sẽ xảy ra.

Tiến sỹ Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103, Hà Nội - thì cho rằng, tâm lý cực đoan đôi khi tồn tại ở những người mắc các rối loạn về tâm lý, tâm thần. “Tỷ lệ người trầm cảm phạm tội cao gấp 6 lần người bình thường - nhất là trong các vụ án giết người rồi tự sát. Cũng có những người bị tâm thần phân liệt luôn bị chi phối bởi ảo thanh, hoang tưởng nên ra tay rất tàn ác mà không ý thức được hậu quả hành động của mình. Nếu được phát hiện sớm, hoàn toàn có thể dùng các liệu pháp y khoa để tránh dẫn đến hành vi cực đoan.

Theo TS Huy, sẽ rất khó dự đoán tâm lý và ngăn chặn hành động của những người cực đoan vì một lý tưởng nào đó. Khi bị chi phối bởi sự cuồng tín hoặc khát khao báo thù, người ta có thể làm mọi thứ, bất chấp cả tính mạng.