Hầu hết động vật được nuôi ở quy mô công nghiệp đều được “vỗ” bằng kháng sinh. Và đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh ở người.

Đối với hầu hết mọi người, kháng kháng sinh là một hiện tượng vẫn còn “xa vời” nếu họ hoặc có một thành viên trong gia đình hay bạn bè không may gặp phải. Nhưng hiện tượng này đang diễn ra trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày, với bất kỳ ai: từ trẻ em trong nhà trẻ, vận động viên chơi thể thao, thiếu niên xỏ khuyên tai cho đến những người khỏe mạnh trong phòng tập thể hình.

Kháng kháng sinh là một mối đe dọa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ở quy mô toàn cầu. Chúng gây ra ít nhất 700.000 ca tử vong trên khắp thế giới mỗi năm: 23.000 người ở Hoa Kỳ, 25.000 người ở châu Âu, hơn 63.000 trẻ em ở Ấn Độ. Ngoài những cái chết đó, vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra hàng triệu bệnh tật, làm thế giới tốn hàng tỷ USD tiền chi tiêu cho y tế và làm giảm năng suất quốc gia. Đây là căn nguyên gây ra bệnh tật cho khoảng 2 triệu người mỗi năm chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ.

Người ta dự đoán rằng vào năm 2050, hiện tượng kháng kháng sinh sẽ gây thiệt hại khoảng 100 triệu USD/ năm và gây ra con số tử vong đáng kinh ngạc là 10 triệu người mỗi năm (để so sánh, năm 2016, ung thư gây ra cái chết của khoảng 8.9 người trên toàn thế giới).

Hầu hết vật nuôi lấy thịt trên toàn thế giới đều được cho sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi gần như mỗi ngày trong đời: tương đương với 126 triệu pound (63,151 tấn) thuốc kháng sinh được sử dụng mỗi năm.

Nhìn lại lịch sử, kháng kháng sinh đã xuất hiện từ lâu, chỉ vài năm sau khi các nhà khoa học tìm ra mỗi thế hệ kháng sinh. Ví dụ, Penicillin được phát hiện vào những năm 1940, và quá trình kháng penicillin đã lan rộng toàn thế giới trong những năm 1950. Tetracycline được phát hiện vào năm 1948, còn hiện tượng kháng Tetracyline cũng đã xuất hiện trước những năm cuối cùng của thập kỷ 1950. Erythromycin được phát hiện vào năm 1952, và kháng erythromycin xuất hiện vào năm 1955. Methicillin, một dạng penicillin bán tổng hợp được phát triển vào năm 1959 nhằm để giải quyết hiện tượng kháng penicillin, nhưng trong vòng một năm, vi khuẩn tụ cầu phát triển cơ chế chống lại Methicillin – MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin).

Sau MRSA, đã có cơ chế vi khẩn sinh ra ESBLs, một loại men beta-lactamase phổ rộng, không chỉ kháng được penicillin và các chất bán tổng hợp của nó mà còn kháng được một nhóm lớn các kháng sinh cephalosporin (nhóm kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm beta – lactamin). Và sau khi nhóm kháng sinh cephalosporin bị suy yếu, các kháng sinh mới ra đời và cũng bị giảm hiệu quả.

Trong một thời gian dài, người ta cho rằng sự tăng lên khó lường của hiện tượng kháng kháng sinh được nêu trên chỉ là do lạm dụng thuốc trong y học: do cha mẹ xin thuốc ngay cả khi con cái họ bị nhiễm bệnh do virus (mà kháng sinh không thể chữa được virus); các bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh mà không kiểm tra xem thuốc họ chọn có phù hợp hay không; bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc theo đơn bởi vì họ cảm thấy đỡ hơn nhưng chưa thực sự khỏi bệnh, hoặc mua thuốc kháng sinh dễ dàng mà không có kê đơn của bác sĩ - ở nhiều nước, các quy định về y tế lỏng lẻo dẫn tới việc người dân có thói quen sử dụng thuốc như vậy.

Nhưng có một thực tế khác, ngay từ những ngày đầu tiên của “thời đại kháng sinh”, các loại thuốc cũng được sử dụng song song với một mục đích khác: ở động vật được nuôi để lấy thịt. Và đúng ra, việc sử dụng kháng sinh cho vật nuôi phải rất thận trọng: đúng liều, đủ liều, thời gian thích hợp nhưng hầu như việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp đang vi phạm tất cả các quy tắc đó.

Tám mươi phần trăm thuốc kháng sinh được bán ở Hoa Kỳ và hơn một nửa số thuốc kháng sinh được bán trên khắp thế giới được sử dụng cho động vật mà không phải ở người. Vật nuôi thường xuyên hấp thụ kháng sinh từ thức ăn và nước của chúng, và hầu hết các loại thuốc này không được dùng để điều trị bệnh ở thú y, thay vào đó, thuốc kháng sinh được dùng để làm thức ăn cho vật nuôi tăng cân nhanh hơn bình thường, hoặc để bảo vệ vật nuôi khỏi bệnh tật khi mà điều kiện chăn nuôi gia súc đông đúc khiến chúng dễ mắc bệnh. Và gần hai phần ba số thuốc kháng sinh được sử dụng cho động vật cũng là loại thuốc được sử dụng để chữa trị cho con người – nghĩa là tồn dư kháng sinh này cũng sẽ làm giảm hiệu quả/ tăng hiện tượng kháng kháng sinh ở con người.

Và hậu quả là, hiện nay, hầu hết vật nuôi lấy thịt trên toàn thế giới đều được cho sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi gần như mỗi ngày trong đời: tương đương với 126 triệu pount (63,151 tấn) thuốc kháng sinh được sử dụng mỗi năm. Vi khuẩn kháng thuốc chính là một hệ quả nghiêm trọng của quy trình nuôi công nghiệp thiếu an toàn này.

Kháng kháng sinh cũng giống như biến đổi khí hậu: nó là một mối đe dọa đáng báo động, được tạo ra trong hàng thập kỷ bởi hàng triệu quyết định cá nhân và được củng cố bởi các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất nông nghiệp ở quy mô công nghiệp toàn cầu lại chưa sẵn sàng cho việc thay đổi quy trình nguy hiểm này, bởi lợi ích từ việc sử dụng kháng sinh “vỗ” cho vật nuôi vẫn rất lớn: vật nuôi khỏe hơn và giá thành rẻ hơn.