Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2016. Công trình này đã tạo ra bước đột phá trong công tác lọc máu.
“Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” là 1 trong 7 cụm công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016. Công trình này do GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai làm chủ nhiệm.
Hiện tại, cụm công trình này đã được triển khai tại 7 bệnh viện, gồm Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Việt - Tiệp (Hải Phòng), Đà Nẵng, Chợ Rẫy, Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) và thu được những kết quả tốt.
GS-TS Nguyễn Gia Bình.
Công trình này đã tạo ra bước đột phá trong việc tăng tỷ lệ được cứu sống cho các bệnh nhân nặng, chẳng hạn giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân suy gan cấp nặng từ 90% xuống còn 50%. Bên cạnh đó, nó còn góp phần giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp khi thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí điều trị giảm đáng kể.
Trao đổi với báo Khoa học & Phát triển, GS-TS Nguyễn Gia Bình cho biết: “Khi bắt đầu có ý định triển khai, chúng tôi hầu như không có gì trong tay. Để có kiến thức, kinh nghiệm, tranh thủ cơ hội ra nước ngoài, chúng tôi tìm đến những nơi đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các kỹ thuật lọc máu hiện đại để quan sát, học hỏi.
Chúng tôi xin tham gia phụ giúp đồng nghiệp nước ngoài, xin tài liệu sách vở, về nước xây dựng quy trình báo cáo và được hội đồng khoa học bệnh viện thông qua, ủng hộ”.
Theo tiết lộ của GS-TS Nguyễn Gia Bình, khi mới bắt tay vào thực hiện công trình này, ông và các đồng nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã làm tất cả những gì có thể để vượt qua.
“Để có máy lọc máu, chúng tôi mượn một máy của đồng nghiệp tại Thái Lan, rồi xin tài trợ từ Tập đoàn Dầu khí mua một máy nữa. Không có các dịch lọc thì chúng tôi tự pha chế, duy trì thuốc chống đông thích hợp để kéo dài thời gian hoạt động của phin lọc… Các bác sĩ và điều dưỡng luôn túc trực quanh bệnh nhân trong những ca đầu tiên cho đến khi làm thành thạo.
Việc áp dụng công nghệ này cho các bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 nặng là một ví dụ về sự tìm tòi sáng tạo của chúng tôi để đấu tranh giành lại sự sống cho các bệnh nhân nặng. Sau khi thành công, kỹ thuật này được ứng dụng trong nhiều loại bệnh như bệnh tay - chân - miệng nặng có biến chứng ở trẻ em” - trích phát biểu của GS-TS Nguyễn Gia Bình.