PGS-TS Bùi Thị Mai An vừa chia sẻ với báo Khoa học & Phát triển về những khó khăn, thách thức trong hành trình xây dựng ngân hàng máu sống.
PGS-TS Bùi Thị Mai An hiện đang là Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu - Viện Huyết học Truyền máu Trung. Đồng thời, bà cũng là đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị”. Công trình này vừa đạt giải thưởng Hồ Chí Mình về KH&CN năm 2016.
Bên cạnh việc tạo nên một cuộc cách mạng lớn, giúp đổi mới, hiện đại hóa rất nhiều công nghệ trong lĩnh vực truyền máu, cụm công trình này còn xây dựng “ngân hàng máu sống” nhằm hạn chế tình trạng thiếu máu ở nước ta.
PGS-TS Bùi Thị Mai An.
Trong quá trình triển khai cụm công trình này, các nhà khoa học của Viện Huyết học Truyền máu Trung đã có những sáng tạo trong việc xây dựng “ngân hàng máu sống” tại vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ mà mỗi thành viên của lực lượng này được ví như “một ngân hàng máu sống” để có thể hiến máu kịp thời, cung cấp cho việc điều trị người bệnh. Mô hình này góp phần cung cấp máu an toàn để bảo đảm có đủ máu cung cấp cho người bệnh khi cần truyền máu cấp cứu. Đồng thời, nó cũng giúp người dân tại các vùng đó yên tâm giữ đất, bám biển bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình xây dựng “ngân hàng máu sống”, Viện Huyết học Truyền máu Trung gặp những thuận lợi như có được sự ủng hộ, vào cuộc của địa phương, lòng nhân ái vì cộng đồng của rất nhiều người dân. Ngoài ra, quá trình này cũng gặp phải không ít khó khăn.
PGS-TS Bùi Thị Mai An chia sẻ với báo Khoa học & Phát triển về những khó khăn gặp phải: “Việc xây dựng thành công được mô hình “ngân hàng máu sống” gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Khó khăn thứ nhất là việc đi lại có nhiều cản trở. Ví dụ, việc đi ra đảo không phải lúc nào cũng thuận lợi vì phụ thuộc vào thời tiết, phương tiện.
Thứ hai, để xây dựng được một lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ, chúng tôi cũng phải vài lần đi lại, thậm chí có những cán bộ phải “nằm vùng” hàng tháng để tuyên truyền tới cán bộ lãnh đạo địa phương và từng người dân về ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng “ngân hàng máu sống”.
Thứ ba, ở một số địa phương, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, có đảo không có điện, nguồn nước ngọt rất hạn chế, gây khó khăn trong việc xây dựng “ngân hàng máu sống”…
Theo bà Mai An, ngay cả khi đã xây dựng thành công lực lượng hiến máu dự bị tại địa phương, khó khăn vẫn tồn tại do người hiến máu dự bị vì lý do nào đó không có mặt khi người bệnh cần máu.
“Ví dụ ở huyện Điện Biên Đông, trong lần báo động thử đầu tiên, không có ai trong danh sách hiến máu dự bị đến tham gia khiến chúng tôi hết sức lo lắng.
Trong ngày tiếp theo, khi có một trường hợp bệnh nhân người dân tộc ít người bị mất máu nặng do sẩy thai khi đi làm rẫy, thật may mắn lại mời được 2 người hiến máu trong danh sách “ngân hàng máu sống” đến để hiến máu kịp thời và cứu sống bệnh nhân. Sự việc thực tế đó cho thấy người dân ở đây đã hiểu rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng “ngân hàng máu sống” - bà Mai An cho biết.