GS-TS Nguyễn Gia Bình vừa chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển về những ứng dụng thực tế, cũng như kết quả của kỹ thuật lọc máu hiện đại.

Được biết, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” của Bệnh viện Bạch Mai vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016. Công trình này đã tạo ra bước đột phá mới trong công tác lọc máu.

Hiện tại, cụm công trình kể trên đã được triển khai tại 7 bệnh viện gồm: Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Việt - Tiệp (Hải Phòng), Đà Nẵng, Chợ Rẫy, Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) và thu được những kết quả rất khả quan.

Cụ thể, công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” đã tạo ra bước đột phá trong việc tăng tỷ lệ được cứu sống cho các bệnh nhân nặng. Điển hình như việc giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân suy gan cấp nặng từ 90% xuống còn 50%.

GS-TS Nguyễn Gia Bình (phải).

Bên cạnh đó, nó còn góp phần giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp khi thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí điều trị giảm đáng kể.

Trả lời câu hỏi về những ứng dụng thực tế, cũng như kết quả của kỹ thuật lọc máu hiện đại, GS-TS Nguyễn Gia Bình đã có những chia sẻ rất cởi mở và chi tiết về 5 công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm.”

“Cụm công trình nghiên cứu của chúng tôi gồm 5 công trình, đó là: 1. Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức bệnh nhân nặng (nói nôm na là dùng các kỹ thuật lọc máu mới để loại bỏ bớt các chất độc do một số bệnh gây ra - như nhiễm trùng hoặc nhiễm độc) kết hợp áp dụng các biện pháp hồi sức khác và chữa trị nguyên nhân.

Kết quả là làm giảm mạnh tỷ lệ tử vong từ 60-65% xuống còn 45% ở các trường hợp nhiễm khuẩn nặng có sốc, từ 40-50% xuống còn 10-12% (tương đương các nước phát triển) ở các trường hợp viêm tụy cấp nặng, từ 70-80% xuống còn 50-55% ở các trường hợp suy đa tạng. Các kỹ thuật lọc máu liên tục còn được ứng dụng trong điều trị nhiều loại bệnh lý nặng khác nữa như hội chứng tay - chân - miệng có biến chứng nặng ở trẻ em.

2. Các nghiên cứu về lọc và thay huyết tương trong điều trị một số bệnh tự miễn gây liệt cơ (như hội chứng Guillain-bare, bệnh nhược cơ nặng...).Kết quả, trước khi có kỹ thuật này, người bệnh phải thở bằng máy dài ngày với nhiều biến chứng như xẹp phổi, teo cơ, nhiễm trùng… và tỷ lệ tử vong khá cao. Với việc áp dụng lọc máu, thay huyết tương để loại bỏ các kháng thể gây bệnh, người bệnh nhanh chóng hồi phục, bỏ thở máy, trở lại cuộc sống thường ngày.

3. Kỹ thuật hấp phụ phân tử tái tuần hoàn (còn gọi là gan nhân tạo): Bệnh nhân suy gan cấp nặng nếu chỉ dùng thuốc như trước đây thì tỷ lệ tử vong lên đến 90-100%. Thế giới chủ trương ghép gan sớm (phải người cho và chi phí tốn kém). Các bác sĩ Việt Nam đã có thể phẫu thuật ghép gan thành thạo nhưng số người được ghép còn rất hạn chế do thiếu người cho. Vì vậy, kỹ thuật lọc máu hấp phụ phân tử có thể giúp đào thải các chất độc. Kết hợp với điều trị nguyên nhân, kỹ thuật này giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 50%.

4. Kỹ thuật lọc máu hấp phụ chất độc với cột than hoạt: Loại chất độc ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt là nguyên tắc điều trị ngộ độc cấp. Nhưng vì nhiều lý do như phát hiện muộn, vận chuyển, xử trí ban đầu kịp thời..., trong nhiều trường hợp, chất độc đã ngấm vào cơ thể. Phương pháp lọc máu hấp phụ chất độc với cột than hoạt có tác dụng nhanh chóng giảm tình trạng ngộ độc nặng chất diệt cỏ (paraquat) từ mức 80% trước đây xuống còn 50-60%. Đây là kỹ thuật dễ thực hiện, có thể chuyển giao và thực hiện ngay ở tuyến huyện.

5. Kỹ thuật lọc máu hấp phụ cytokine có hại ở bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1: Độc lực của virus cúm A/H5N1 rất mạnh, có thể gây tổn thương phổi nặng nề, làm mất khả năng trao đổi ôxy. Người bệnh sẽ tử vong do thiếu ôxy nặng kéo dài, suy đa cơ quan.

Trong những năm 2002-2003, tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân này trên thế giới là 70-80%, chưa có biện pháp đặc trị. Nhóm nghiên cứu đặt giả thiết: Liệu việc lọc máu hấp phụ các chất cytokine có hại - gây phản ứng viêm quá mạnh ở phổi và các cơ quan khác - có thể làm giảm độ nặng và tăng cơ hội sống cho người bệnh hay không?

Chúng tôi đã tiến hành lọc máu cho một bệnh nhân nam nhiễm cúm A/H5N1 rất nặng và đã thành công. Sau đó, kết hợp với các nhà khoa học của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định, kỹ thuật này hiệu quả nếu được áp dụng sớm, trong vòng 4 ngày" - ông Bình cho biết.