Lòng nhân ái của thầy thuốc cùng tinh thần khắc phục mọi thử thách của một quân nhân đã giúp PGS-TS-Thiếu tướng Hoàng Mạnh An sử dụng 30 năm cống hiến cho ngành y của mình một cách hiệu quả nhất - đặc biệt là với ngoại khoa nói chung và kỹ thuật ghép tạng nói riêng.

Ông tướng và công nghệ ghép đa tạng “made in Vietnam”

Từ lúc còn là một sinh viên Học viện Quân y cho tới nay - đã hơn 30 năm làm việc trong ngành y quân đội, Thiếu tướng Hoàng Mạnh An luôn đặt trách nhiệm của một người thầy thuốc lên cao nhất. Ông nói rằng: “Khi dân còn khổ - nhất là khi mình còn là một người lính - thì bằng mọi giá làm sao cho người dân không còn bệnh tật thì mình mới yên tâm được”.

Bác sỹ Hoàng Mạnh An (ngoài cùng bên phải)  thăm hỏi bệnh nhân sau ca ghép tim tháng 6/2010. Ảnh: NVCC
Bác sỹ Hoàng Mạnh An (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi bệnh nhân sau ca ghép tim tháng 6/2010.
Ảnh: NVCC

Nghĩ là làm, trong từng đó thời gian, ông đã rất nỗ lực để biến lời nguyện của mình thành hiện thực, trân trọng từng ca mổ, từng ca hội chẩn, góp phần đem lại sự sống và hy vọng cho nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo mà trước đây cầm chắc cái chết. Một trong những thành công đó là phẫu thuật ghép đa tạng từ người cho đã chết não mà ông chủ trì trong chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.10.

Nói về sự ra đời của công nghệ này, PGS Hoàng Mạnh An cho hay: “Tỷ lệ những người tiểu đường biến chứng suy thận ở nước ta khá cao. Thuốc chỉ giúp họ duy trì trạng thái khỏe mạnh được một thời gian. Khi có chương trình KC.10 hỗ trợ, chúng tôi đã xin phép chọn đề tài này để giúp bệnh nhân suy tụy - thận có cơ hội được cứu chữa kịp thời”.

Thượng úy Nguyễn Thái Huyên - người Việt Nam đầu tiên được ghép tụy, thận cùng lúc trong ca phẫu thuật lịch sử tháng 3/2014 do PGS An và các y bác sĩ thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội - chia sẻ: “Khi biết mắc bệnh, tôi không nghĩ mình có thể qua khỏi; nhưng sau đó tôi được tư vấn để tham gia ca phẫu thuật ghép đa tạng này và gặp được chú An. Nhờ chú ấy và các y, bác sỹ mà giờ tôi đã trở lại cuộc sống bình thường, không còn bệnh tật nữa”.

Trước ca mổ, anh Huyên bị đái tháo đường biến chứng nặng dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu, hôn mê. Sau ca ghép, sức khoẻ của anh rất tốt.

Công nghệ ghép đa tạng mang thương hiệu Việt đã được PGS Hoàng Mạnh An đúc kết xây dựng thành đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy - thận từ người cho chết não” gây được tiếng vang lớn tại hội nghị tổng kết KC.10 vừa qua.

Công nghệ ghép đa tạng thực chất đã xuất hiện từ hơn 50 năm về trước tại một số quốc gia có nền y học phát triển như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc... Việt Nam trước đây đã thực hiện thành công rất nhiều ca ghép thận, ghép tim, ghép gan nhưng vẫn chỉ là ghép đơn tạng. Kỹ thuật ghép đa tạng đối với Việt Nam lúc đó còn rất mới.

“Sau 2 năm, đến nay bệnh nhân ghép đa tạng đầu tiên hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí không gặp phải bất kỳ một phản ứng phụ nào. Trong tương lai, chắc chắn sẽ thêm nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu bằng phương pháp này. Sự ra đời và thành công của công nghệ ghép đa tạng đánh dấu thêm một bước tiến vượt bậc của nền y học Việt Nam. Có thể nói rằng chúng ta đã và đang ngày một tiến dần hơn tới trình độ của các nước có nền y học phát triển trên thế giới hiện nay” - PGS Hoàng Mạnh An say sưa chia sẻ về công trình tâm huyết.

Trăn trở tìm nguồn tạng

Một trong những bước quan trọng nhất trong việc thực hiện phẫu thuật ghép tạng là tìm nguồn tạng ghép, và đây là việc không đơn giản. PGS Hoàng Mạnh An đã hướng tới nguồn cung là những bệnh nhân không may qua đời. Nhưng để có được tạng từ nguồn này, ông và các cộng sự vấp phải khó khăn lớn.

“Khác với thế giới, ở Việt Nam người bệnh rất ít khi đồng ý hiến cả nội tạng của mình. Do đó, các bác sỹ đã phải vận động người nhà bao gồm cả bố, mẹ, anh, chị, em, vợ con, họ hàng bên nội, bên ngoại rồi thậm chí cả bạn bè. Chỉ cần một trong số những người đó có ý không tán thành thì coi như thất bại. Từ khi bắt đầu vận động tìm người cho chết não đến nay, số trường hợp vận động thành công ở tất cả các bệnh viện mới chỉ được trên 30 ca” - PGS An tâm sự và cho rằng tuy Việt Nam đã có luật về hiến ghép mô tạng, nhưng các văn bản dưới luật hiện chưa rõ ràng.

Sự khó khăn này khiến ông luôn đau đáu với ước mơ làm sao để người dân Việt Nam nhận thức tốt hơn về sự sẻ chia cuộc sống với những người suy tạng cần được ghép.

“Tôi đi rất nhiều nước, thấy người ta có trung tâm điều phối tạng ghép, nhưng không phải của thầy thuốc mà là của các thành phần xã hội đang làm công tác vận động hiến tạng. Các thầy thuốc chỉ làm mỗi việc lên danh sách những bệnh nhân cần ghép tạng, làm các xét nghiệm cơ bản của họ rồi gửi đến trung tâm này. Trung tâm điều phối cũng đề nghị người đồng ý hiến tạng làm các xét nghiệm cơ bản. Họ đối chiếu kết quả với danh sách cần cung cấp tạng và sẽ gọi cho bệnh viện khi có nguồn cung tương thích” - ông An cho biết.

Ngoài mơ ước Việt Nam có một trung tâm điều phối tạng ghép như các quốc gia có nền y học tiên tiến, PGS Hoàng Mạnh An cũng mong mỏi sớm chuyển giao công nghệ ghép đa tạng cho nhiều bệnh viện hơn, để cơ hội được cứu sống của những bệnh nhân suy tạng không còn quá xa vời.

“Các thầy thuốc giỏi có chuyên môn cần tới các bệnh viện tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật cho địa phương. Việc này cần phải có đầu tư dài hơi và sự liên kết chặt chẽ của các bệnh viện tuyến đầu với các cơ sở y tế tuyến dưới. Hiện giờ cứ mắc bệnh gì khó chữa là dân mình đều phải tập trung về trung ương, nhưng lại phát sinh thêm phiền toái, khổ cực, tốn kém về thời gian và tiền bạc” - PGS Hoàng Mạnh An tâm sự.

Cũng từ mong ước có thêm nhiều thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho dân, trong nhiều năm qua, PGS Hoàng Mạnh An luôn coi trọng việc tiếp lửa đam mê cho các cán bộ cấp dưới của mình bằng sự nhiệt tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và cả tình cảm gắn bó.

Ông chia sẻ: “Nhìn các bạn thầy thuốc trẻ chữa khỏi bệnh cho nhiều người, tôi lấy đó làm niềm vui và càng gắn bó hơn với nghề thầy thuốc. Trong một đơn vị, chính tinh thần đoàn kết tập thể mới là cái giúp ngọn lửa đam mê lúc nào cũng phải bùng cháy”.

Nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân quý mến gọi PGS Hoàng Mạnh An bằng cái tên “người thầy thuốc có bàn tay vàng” hay “thầy thuốc Cụ Hồ”. Còn với PGS An, tuy cảm động về tình cảm mọi người dành cho mình, ông vẫn cho rằng danh hiệu không phải là điều quan trọng.

“Quan trọng là mình làm được những gì để mang lại sức khỏe cho người bệnh, để họ an tâm hơn khi đến với thầy thuốc” - vị thiếu tướng mang áo blouse trắng nói.

PGS-TS-Thiếu tướng Hoàng Mạnh An sinh năm 1961 tại Nam Định. Ông nguyên là Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (2008-2016) và hiện vẫn phục vụ tại đây trong công tác chuyên môn. Những cống hiến của PGS An đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng…