Rất nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối muốn nhận được những phương pháp chữa trị giúp duy trì cuộc sống thêm một thời gian ngắn mà không hề nghĩ rằng chúng khiến chất lượng cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn.
“Mọi người thường ít khi có cái nhìn tích cực về việc kết thúc cuộc sống” - Giáo sư danh dự nội khoa thuộc Trường Đại học Y Virginia (Mỹ) Leslie Blackhall nhận xét.
Có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này đã được tiến hành, trong đó nổi bật là nghiên cứu năm 2009 của Tạp chí y học New England, được tiến hành trên 400.000 người ở độ tuổi trên 65 đang được điều trị hồi sinh tim phổi (CPR) tại bệnh viện.
Kết quả cho thấy, chỉ 18% trong số họ sống đủ lâu để được ra viện. Càng cao tuổi, tỷ lệ sống sót càng giảm - với khoảng 12% số người trên 90 tuổi có thể hồi phục đủ lâu để ra viện.
Theo Giáo sư Blackhall, để kéo dài sự sống thêm 15 phút, quá trình CPR để lại hậu quả là các xương sườn của bệnh nhân sẽ bị bẻ gãy. Bệnh nhân thường chết trong phòng chăm sóc đặc biệt với ống thông xuống cổ và nhiều dây nhợ loằng ngoằng khác.
Một ví dụ khác: Trong số 3.500 bệnh nhân thận giai đoạn cuối phải chạy thận ở các nhà dưỡng lão Mỹ, chỉ 39% giữ được chức năng thận sau 3 tháng chữa trị. Sau 12 tháng, chỉ còn 13% giữ được chức năng thận và hơn một nửa số bệnh nhân đã bị tử vong.
Sharon Kaufman - tác giả cuốn sách “Y học đời thường: Những phương pháp chữa trị đặc biệt, cuộc đời được kéo dài sự sống và nơi đặt bút vẽ sự sống” - cho rằng, trong thời gian sống thêm, người chạy thận phải gắn liền với máy móc và tác động phụ của phương pháp trị liệu, bao gồm tình trạng mệt mỏi, huyết áp thấp, nhiễm độc máu và đau cơ. Do đó, theo ông thật không đáng để bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị này.
Hòa An (Theo Washington Post)