Thông thường, phụ nữ sống lâu hơn nam giới nhưng nhìn chung sức khỏe lại kém hơn. Điều này dường như lại không đúng khi áp dụng với cộng đồng theo chế độ mẫu hệ ở Mã Thoa (Trung Quốc). Vì sao lại như vậy?

Những người phụ nữ Mã Thoa trong một lễ hội truyền thống. Ảnh: Choo Waihong

Sự chênh lệch về sức khỏe giữa đàn ông và phụ nữ không phải là hiện tượng của riêng thời đại dịch. Từ rất lâu trước khi Covid-19 xảy đến, phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới, gánh vác nhiều trách nhiệm chăm sóc con cái hơn và đối diện với nhiều nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới hơn. Nhưng giờ đây, đại dịch đã khiến họ, và cả con cái của họ, thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn trước.

Phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới nhưng nhìn chung sức khỏe lại kém hơn. Họ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính hơn, hiện tượng này thường được gọi là nghịch lý sức khỏe – tồn tại. Nhiều người lý giải điều này là do sự khác biệt về mặt sinh học giữa phụ nữ và nam giới. Hormone sinh sản của nữ ảnh hưởng đến nhiều mô trong cơ thể; quá trình mang thai và sinh con đi kèm với nhiều rủi ro đối với sức khỏe.

Nhưng một số lượng lớn các nghiên cứu cho thấy hoàn cảnh xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người. Việc sống trong các xã hội bất bình đẳng có mối liên hệ với sức khỏe tồi tệ. Trọng nam khinh nữ có thể dẫn đến hành vi bỏ bê con gái, hệ quả là sức khỏe của bé gái kém đi, thậm chí tử vong. Vậy thì, các tiêu chuẩn giới đóng vai trò như thế nào đối với sự chênh lệch trong sức khỏe giữa nam giới và nữ giới?

Nhóm chúng tôi*có hai người là nhà nhân chủng học, một người là nhà dịch tễ học. Chúng tôi đã cùng nhau điều tra mức độ ảnh hưởng của các tiêu chuẩn giới, mà cụ thể là “trọng nam” và “trọng nữ”, đối với sức khỏe.

So sánh hai cộng đồng

Chúng tôi đã công bố nghiên cứu này trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia. Cụ thể, chúng tôi thực hiện nghiên cứu dựa trên hai cộng đồng ở tây nam Trung Quốc. Cả hai đều thuộc bộ tộc Ma Thoa, có chung một ngôn ngữ, tôn giáo và nghi lễ. Tuy nhiên, hai cộng đồng khác nhau ở một điểm mấu chốt làm cơ sở để thực hiện nghiên cứu độc đáo này: mối quan hệ trong gia đình.

Một số gia đình trong tộc Ma Thoa theo chế độ mẫu hệ, tài sản và đất đai từ truyền từ đời mẹ sang con gái. Vai trò của nam giới trong các gia đình đó không được chú trọng, dù họ giữ những vai trò quan trọng như là một người cha và người chồng. Khoảng 30% đang ở trong một cuộc “hôn nhân đi bộ” (zou hu): người đàn ông sẽ tới nhà người phụ nữ vào ban đêm và trở về nhà của mình trước bình minh, họ không chính thức kết hôn. Những người đàn ông ấy vẫn là một thành viên trong gia đình có mẹ hoặc chị gái của họ. Mặc dù kiểu hôn nhân đi bộ này dễ tan vỡ, nhưng thường họ vẫn duy trì được cuộc hôn nhân một vợ một chồng.

So sánh những gia đình này với một nhóm dân nhỏ hơn, ít được biết đến hơn của tộc Mã Thoa, theo chế độ phụ hệ. Những gia đình này thường kết hôn một vợ một chồng và người cha sẽ để lại tài sản thừa kế cho con trai. Họ giống với những gia đình Âu-Mỹ hơn, nơi có xu hướng trao quyền cho nam giới.

Trên cơ sở đó, chúng tôi bắt đầu tự hỏi liệu tộc Mã Thoa có phải là điển hình về việc phụ nữ trong các cộng đồng mẫu hệ - nơi họ có quyền tự chủ và nắm giữ tài sản - sẽ khỏe mạnh hơn hay không. Nhóm chúng tôi đã đi đến hàng trăm hộ gia đình ở cả cộng đồng phụ hệ và mẫu hệ ở Mã Thoa. Chúng tôi hỏi những người tham gia về hoàn cảnh xã hội, khả năng kinh tế và hoàn cảnh gia đình của họ. Chúng tôi tiến hành đo huyết áp và thu thập mẫu máu của họ để đánh giá sức khỏe. Từ đó, chúng tôi có thể so sánh các cộng đồng mẫu hệ và phụ hệ, và nhận thấy: Chênh lệch về sức khỏe giữa phụ nữ và đàn ông hoàn toàn bị đảo ngược trong các cộng đồng mẫu hệ.

Phụ nữ tự chủ hơn thì có sức khỏe tốt hơn

Tóm lại, trong các chế độ phụ hệ, sức khỏe của phụ nữ kém hơn nam giới. Nhưng điều đó ngược lại trong các cộng đồng mẫu hệ. Ở đó, tỷ lệ viêm mạn tính của phụ nữ gần bằng một nửa nam giới, với tỷ lệ cao huyết áp thấp hơn khoảng 12%.

Cả viêm mạn tính và cao huyết áp đều là những dấu hiệu ban đầu của bệnh mạn tính về lâu dài. Cả hai chứng này đều là biểu hiện của những người có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, rối loạn thoái hóa thần kinh và tử vong. Việc phụ nữ trong cộng đồng Mã Thoa theo chế độ phụ hệ có sức khỏe kém hơn có thể là do sự khác biệt trong cuộc sống hằng ngày, bao gồm sự căng thẳng tích tụ lại trong thời gian ngắn lẫn một thời gian dài.

Một người phụ nữ trong cộng đồng Mã Thoa ở tây nam Trung Quốc. Cộng đồng này đã tham gia vào nghiên cứu nhằm xem xét sự chênh lệch về sức khỏe giữa đàn ông và phụ nữ. Ảnh: Siobhan Mattison

Phát hiện của chúng tôi thách thức những quan niệm đơn giản rằng sinh học là yếu tố quyết định duy nhất hoặc yếu tố chính tạo ra sự khác biệt về sức khỏe theo giới tính. Đây không phải là một tiết lộ mới mẻ, nhưng nghiên cứu cho thấy vai trò mạnh mẽ hơn của văn hóa (mà cụ thể là chế độ phụ hệ, chế độ mẫu hệ) so với những gì đã được chứng minh trước đây.

Điều này không có nghĩa là sinh học không đóng vai trò gì trong sự khác biệt về sức khỏe giữa nam và nữ. Hầu như tất cả các bệnh đều liên quan đến sinh học ở cấp độ tế bào. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh đến sự khác biệt về mặt sinh học thì chẳng khác gì cho rằng những yếu tố khác giữa nam với nữ đều bình đẳng – trường hợp này hiếm khi xảy ra.

Việc chăm sóc con cái và các công việc trong gia đình trở nên dễ dàng hơn khi phụ nữ nhận được sự giúp đỡ và bản thân họ cũng tự chủ hơn. Phụ nữ Mã Thoa trong cả hai cộng đồng mẫu hệ và phụ hệ đều gánh vác phần lớn những công việc này. Nhưng những người trong cộng đồng mẫu hệ đảm nhiệm vai trò này với quyền tự chủ cao hơn và nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ người thân và bạn bè thân thiết. Những người phụ nữ trong các cộng đồng phụ hệ thường ít được giúp đỡ trong các công việc gia đình.

Những phát hiện này liên quan đến sức khỏe của phụ nữ, không chỉ với các cộng đồng Mã Thoa, mà còn ở những nơi khác. Khả năng độc lập, tự chủ, khả năng tiếp cận các nguồn hỗ trợ,… ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Giờ đây, khi đã hiểu các tiêu chuẩn giới tính và mối quan hệ trong gia đình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, chúng ta nên đề xuất những phương án thích hợp để giảm bớt sự chênh lệch về sức khỏe và giảm gánh nặng bệnh mạn tính đang ngày càng tăng.

(*) Tác giả bài viết là Siobhán Mattison (Phó giáo sư Nhân học Tiến hóa, Đại học New Mexico), Adam Z. Reynolds (Nghiên cứu sinh, Đại học New Mexico), và Katherine Wander (Phó giáo sư Đại học Binghamton - Đại học Bang New York).

Nguồn: