Ăn nhiều hơn 450-900 g khoai tây một tuần trước khi mang bầu, chị em tăng 27% nguy cơ tiểu đường thai kỳ, một nghiên cứu Mỹ cảnh báo.

Nếu ăn nhiều hơn một kg, rủi ro sẽ lên đến 50%, Health dẫn nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học BMJ."Phụ nữ càng ăn nhiều khoai tây càng dễ bị tiểu đường thai kỳ", tác giả Cuilin Zhang, tiến sĩ từ Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Mỹ cho biết. "Khoai tây là rau củ nhưng không phải tất cả rau củ đều lành mạnh".

an-nhieu-khoai-tay-de-tieu-duong-thai-ky

Ảnh: Wordpress.

Khoai tây là loại lương thực được tiêu thụ nhiều thứ ba thế giới, sau gạo và lúa mì. Khoai tây rất giàu vitamin C, kali và chất xơ. Tuy nhiên, nó còn chứa nhiều carbohydrate đơn dễ bị bẻ gãy và hấp thụ vào máu.Các chuyên gia dinh dưỡng của Đại học Harvard nhận định ăn 225 g khoai tây làm tăng đường huyết ngang với khi uống một lon nước có ga hoặc nhai một nắm kẹo dẻo. Đường huyết cao dẫn đến kháng insulin, góp phần gây nên tiểu đường tuýp 2.

Để kiểm chứng, tiến sĩ Zhang cùng đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu của gần 16.000 phụ nữ từng tham gia vào một nghiên cứu quốc gia. Sau 10 năm theo dõi, nhóm nhà khoa học phát hiện gần 900 trường hợp tiểu đường trong thai kỳ trên tổng số 22.000 ca sinh một. Xem xét các câu hỏi về dinh dưỡng, họ nhận thấy sự liên quan của khoai tây đến chứng bệnh gặp ở bà bầu.Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, trẻ có mẹ mắc chứng tiểu đường thai kỳ nhiều khả năng bị hạ đường huyết, bệnh hô hấp hoặc thậm chí là tử vong ngay sau khi chào đời.

Tin vui là phái đẹp có thể hạ thấp nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ xuống 9-12% nếu thay khoai tây trong 2 bữa ăn bằng các loại rau củ khác hay ngũ cốc nguyên hạt."Chị em đang lên kế hoạch mang bầu cần hạn chế ăn khoai tây. Những gì người mẹ ăn đều ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", tiến sĩ Zhang kết luận.

Tiến sĩ Raul Artal, bác sĩ sản khoa và phụ khoa tại Đại học Saint Louis đồng ý rằng cắt giảm khoai tây là điều phụ nữ trong tuổi sinh sản nên làm. "Mấu chốt là ăn vừa phải", ông nói, "Bạn có thể ăn khoai tây, nhưng không quá nhiều".