Một nghiên cứu mới cho thấy những người phụ nữ hút thuốc lá khi mang thai có thể làm biến đổi gene của thai nhi.

Những thay đổi DNA có thể giải thích một phần mối liên hệ giữa việc hút thuốc trong lúc mang thai và các biến chứng sức khỏe của trẻ em khi được sinh ra từ người mẹ hút thuốc. Các biến chứng này bao gồm trẻ nhẹ cân, sứt môi, hở hàm ếch và làm tăng nguy cơ bị hen suyễn. Mặc dù có nhiều cảnh báo về sức khỏe, nhưng hiện nay vẫn có khoảng 12% phụ nữ mang thai tại Mỹ vẫn hút thuốc, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Human Genetics.

Phụ nữ không nên hút thuốc lá khi mang thai. Ảnh: Shutterstock

Để kiểm tra ảnh hưởng của việc hút thuốc đến DNA của thai nhi, các nhà khoa học tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc giaMỹ (NIEHS) đã xem xét gần 7.000 trẻ sơ sinh và mẹ của chúng từ khắp nơi trên thế giới. Thông tin về thói quen hút thuốc của các bà mẹ được thu thập thông qua bảng câu hỏi. Nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu máu từ dây rốn của mỗi trẻ sơ sinh.

Các nhà nghiên cứu tìm kiếm những thay đổi biểu sinh đối với DNA của trẻ sơ sinh. Thay đổi biểu sinh là những thay đổi hóa học không làm biến đổi trình tự của DNA, nhưng thay vào đó ảnh hưởng đến việc một số gene nhất định được “bật” hoặc “tắt”. Một loại thay đổi biểu sinh cụ thể mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm gọi là “methyl hóa”, trong đó một phân tử nhỏ được thêm vào một phần của DNA, ngăn không cho phần gene này biểu hiện.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trẻ sơ sinh có mẹ tự mô tả mình là người “hút thuốc liên tục” có hơn 6.000 vị trí trong DNA bị biến đổi về mặt hóa học, khác với DNA của những em bé được sinh ra từ người không hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm những thay đổi biểu sinh ở trẻ lớn hơn, với độ tuổi trung bình bằng 7, có mẹ là người hút thuốc trong quá trình mang thai. Kết quả cho thấy, chúng cũng có nhiều thay đổi biểu sinh trong DNA.

“Những thay đổi biểu sinh của trẻ nhỏ tương tự những thay đổi biểu sinh được quan sát trước đây ở người trưởng thành hút thuốc”, Stephanie London, nhà dịch tễ học tại NIEHS, cho biết. “Phát hiện này cho thấy, mặc dù thai nhi không hít khói thuốc vào trong phổi của nó, nhưng có rất nhiều thứ tương tự sẽ đi qua nhau thai”.

Quá trình methyl hóa DNA bằng cách nào đó đã gây ra những biến chứng về sức khỏe sau này của trẻ nhỏ chẳng hạn như sứt môi, hở hàm ếch và hen suyễn, London nhận định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thói quen hút thuốc. Có ít nhất 17 loại ung thư là do thuốc lágây ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này sẽ có hơn một tỷ người chết vì nguyên nhân liên quan đến khói thuốc.