Cô Elizabeth Eden, người phụ nữ trên, đã ăn một chiếc bánh mì như vậy (chứa hạt anh túc) vào buổi sáng mà cô sinh hạ bé gái. Trong khi đang lâm bồn thì cô lại được bác sỹ thông báo kết quả xét nghiệm thuốc phiện “dương tính”. Không thể tin vào điều đó, cô nói rằng mình chỉ ăn một chiếc bánh mỳ có chứa hạt anh túc và yêu cầu xét nghiệm lại, tuy nhiên các nhân viên y tế đã chuyển kết quả của cô tới cảnh sát. Eden sau đó được chỉ định làm việc với một nhân viên công tác xã hội, còn bé gái mới sinh thì phải ở lại bệnh viện và tách biệt với mẹ trong 5 ngày. Trên thực tế thì đây là một ca “phản vệ với hạt anh túc” và hợp pháp.
Hạt anh túc cũng là một loại nguyên liệu được sử dụng để làm bánh mì. Ảnh: Shutterstock
Cây anh túc hay còn gọi là cây thuốc phiện, có khả năng sản sinh ra một loại chất lỏng giống như sữa – tức nhựa, là thành phần chính để điều chế thuốc phiện hay morphine. Do đó hạt cây rất có thể sẽ chứa một số cặn dư của morphine. Mặc dù kết quả xét nghiệm dương tính đối với thuốc phiện hay morphine như trong trường hợp của cô Eden là rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Tùy thuộc vào một số yếu tố như lượng hạt anh túc đã hấp thụ, dư lượng morphine có trong hạt và chuẩn “dương tính” do từng cơ sở xét nghiệm đặt ra mà kết quả có thể là “dương tính giả”.
Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 1987, các chuyên gia đã làm thí nghiệm nướng bánh quy (loại vẫn hay bày bán ngoài cửa hàng) với mỗi chiếc chứa 1 thìa nhân hạt anh túc. Khoảng hai giờ sau khi ăn bánh, cả nhóm 5 người đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với thuốc phiện khi nồng độ morphine có trong nước tiểu của họ cao hơn mức giới hạn là 300 ng/mL.
Mặc dù vậy, rất khó để khẳng định chính xác lượng hạt anh túc ăn vào là bao nhiêu thì mới cho kết quả dương tính, bởi dư lượng morphine có trong các hạt vốn chẳng giống nhau. Ngoài ra, tiêu chuẩn dương tính ở phòng thí nghiệm cũng thường thấp hơn một chút so với trong bệnh viện. Mặc dù dư lượng morphine trong hạt anh túc thực ra là rất nhỏ, song về mặt lý thuyết vẫn có thể gây ra “phản ứng mạnh” nếu hấp thụ một lượng lớn.
Thực tế là năm 1998, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã điều chỉnh mức giới hạn dương tính với thuốc phiện, tăng từ 300 ng/mL lên 2000 ng/mL morphine nhằm tránh các trường hợp cho kết quả “dương tính giả” do ăn phải hạt anh túc. Tuy nhiên, một số phòng thí nghiệm hiện vẫn giữ mức tiêu chuẩn cũ.
Nếu một ai đó bị dương tính với thuốc phiện thì vẫn có cách để xác định xem người này đã sử dụng heroin hay morphin. Heroin, hay diacetylmorphine, khi được hấp thụ vào bên trong cơ thể sẽ phân hủy trước để trở thành hợp chất monoacetylmorphine, rồi sau đó mới tiếp tục chuyển sang dạng morphine. Do đó, kết quả thử monoacetylmorphine sẽ cho biết tình trạng sử dụng heroin trong thời gian gần nhất. Tuy nhiên, việc xét nghiệm trên hạt anh túc có chứa dư lượng morphine sẽ gặp khó khăn hơn nhiều, do cả hai đều cho kết quả dương tính (với morphine). Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta nên tránh ăn hạt anh túc, cũng như các cơ sở xét nghiệm nên hỏi người cần kiểm tra trước khi tiến hành.