TS Khuất Thu Hồng cho biết, khi mới hình thành, mục đích của ngành nghiên cứu phụ nữ là tăng hiệu quả các chương trình kinh tế do các định chế quốc tế triển khai. Bởi các chuyên gia nhận ra rằng, muốn kinh tế phát triển, cần cải thiện vai trò, địa vị của người phụ nữ để họ có thể phát huy tối đa năng lực.
Sự liên quan giữa chất lượng sống phụ nữ và sự phát triển kinh tế cũng thể hiện qua kết quả một nghiên cứu của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam năm 2012.
Một lao động nữ trong nghiên cứu của UN Women. Ảnh: UN Women
Theo đó, tình trạng bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thất vật chất cho người phụ nữ và gia đình họ (do giảm thu nhập, tăng chi phí y tế, hư hại tài sản…) mà cho cả nền kinh tế. Cụ thể, những phụ nữ từng trải qua một loại bạo hành bất kỳ trong đời có thu nhập thấp hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo hành.
Có đến 1/3 số phụ nữ được hỏi cho biết tình trạng bạo hành gia đình làm gián đoạn công việc của họ, 16% không thể tập trung vào công việc, 6,6% không thể làm việc do ốm yếu và 7% bị mất tự tin. Về mặt vĩ mô, với tỷ lệ 58% số phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo hành (về thể xác, tinh thần và tình dục), mức chi phí cơ hội có thể bị thiệt hại do bạo lực gia đình của Việt Nam trong năm 2010 là 1,41% GDP. Trong đó, tổng chi phí trực tiếp là 11.887,4 tỷ đồng; thu nhập bị mất do nghỉ việc là 13.651,2 tỷ đồng; giá trị thiệt hại do không làm được việc nhà là 10.051,6 tỷ đồng…
Nhóm nghiên cứu của UN Women cho biết, kết quả trên thống nhất với 2 kết quả nghiên cứu tại Chile và Nicaragua, trong đó mức thiệt hại về thu nhập của những phụ nữ từng bị bạo hành lần lượt là 34% và 46%. Mức thiệt hại của nền kinh tế hai quốc gia này lần lượt là 2% và 1,6% GDP.
Do ngành nghiên cứu phụ nữ có nhiệm vụ khảo sát thực trạng, phân tích, lý giải và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề về giới nhằm tác động vào việc xây dựng chính sách, các chuyên gia khẳng định, ngành này có đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.