"Có nên nuôi con bằng sữa mẹ" từng là chủ đề gây tranh cãi giữa những phụ nữ mới sinh con với các chuyên gia y tế. Một nghiên cứu mới về sữa mẹ đã cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ việc các bà mẹ nên nuôi con bằng chính sữa của mình, thay vì sữa công thức.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, con người sản sinh ra dạng sữa độc đáo nhất trong tất cả các động vật có vú và chứa lượng đường cao gấp 7 lần sữa của bất kỳ loài động vật nào khác.
Cụ thể, sữa mẹ chứa tới 200 hợp chất đường khác nhau, trong khi con số này trong sữa bò và chuột chỉ lần lượt là 30 và 50.
Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng, nồng độ của mỗi loại đường trong sữa mẹ thay đổi theo thời gian trong quá trình cho con bú. Tại sao điều này xảy ra và vai trò của mỗi loại đường trong sữa mẹ hiện vẫn là một bí ẩn. Song, các nhà nghiên cứu tin rằng, chúng có thể đóng vai trò then chốt trong sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh, giúp bọn trẻ thiết lập sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột.
Giáo sư Thierry Hennet thuộc Đại học Zurich (Thụy Sỹ) giải thích: "Tác động đầu tiên của sữa mẹ là tạo điều kiện thuận lợi cho những nhóm vi khuẩn nhất định, có thể tiêu hóa các phân tử đường này, sinh sôi phát triển trong đường ruột. Trẻ sơ sinh không có cơ chế tiêu hóa những loại đường nói trên, nên chúng thực sự phụ thuộc vào các vi khuẩn. Những gì diễn ra giống như một khu đất ươm mầm và sữa mẹ là phân bón".
Sữa mẹ thường là bữa ăn đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh, nhưng rất nhiều loại đường trong sữa mẹ không nhằm để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.
Khi mới chào đời, trẻ em không có bất kỳ vi khuẩn nào trong đường ruột của chúng. Nhưng chỉ trong vòng vài ngày, số vi khuẩn trong đường ruột của trẻ lên đến hàng triệu và sau một tuần là hàng tỉ. Các loại đường tồn tại trong sữa mẹ thường là những hợp chất đầu tiên mà những vi khuẩn này ăn và chúng được cho là giúp nuôi dưỡng các loại vi khuẩn nhất định.
Theo các nhà nghiên cứu, sữa mẹ cũng giúp tạo tiền đề cho hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh. Sau khi đứa trẻ chào đời, sữa mẹ giàu các kháng thể và phân tử làm chậm sự phát triển của các vi khuẩn có hại cũng như điều phối hoạt động của các tế bào bạch cầu. Sau một tháng, khi đứa trẻ bắt đầu phát triển hệ miễn dịch thích ứng riêng, thành phần sữa mẹ thay đổi, với lượng kháng thể giảm xuống hơn 90%.
Sự đa dạng về các loại đường trong sữa mẹ cũng giảm xuống đáng kể, ám chỉ đứa trẻ cần ít loài vi khuẩn hơn vào thời điểm này. Thay vào đó, sữa mẹ tăng đáng kể số lượng chất béo và các chất dinh dưỡng khác hỗ trợ sự phát triển của trẻ.
Bất chấp nhiều công dụng khác nhau của sữa mẹ, trẻ em vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh dù được bú ít hoặc không bú sữa mẹ. Điều đó làm dấy lên các tranh cãi về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ rõ ràng làm giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cũng như giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường ruột và đường hô hấp của trẻ mới chào đời. Song, chẳng có mấy bằng chứng về các lợi ích dài hạn hơn của sữa mẹ đối với trẻ.
Giáo sư Hennet kết luận: "Chúng ta phải cẩn trọng khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào. Một mặt, sữa mẹ là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa và chắc chắn sở hữu các chất dinh dưỡng tối ưu cho trẻ mới sinh. Tuy nhiên, câu hỏi là, trẻ thực sự cần nguồn cung cấp này trong bao lâu? Chúng tôi cảm thấy, các gia đình cần phải đưa ra quyết định đó, chứ không phải các nhà khoa học".