Tỏi, nghệ, trà, mật ong, khoai lang, rau xanh đậm, trái cây màu sáng, sữa chua giàu lợi khuẩn... giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho sức khỏe.
Trái cây, rau củ màu sáng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin A làm tăng số lượng tế bào lympho trong cơ thể, tiêu diệt và tấn công các tác nhân gây hại xâm nhập từ bên ngoài cũng như tế bào ung thư.
Cà rốt, đu đủ, xoài, đào, khoai lang, bí đỏ… là nguồn cung cấp beta-carotene tuyệt vời. Cơ thể sẽ chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A, giúp tăng cường sức đề kháng.
Cam, chanh, bưởi, táo... dồi dào vitamin C tự nhiên. Vitamin C cải thiện hệ miễn dịch bằng cách giúp cơ thể tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Khi trẻ ốm, mẹ nên thay cam bằng nửa quả bưởi. Bưởi không chỉ giảm triệu trứng cảm, ho, sổ mũi mà còn chống viêm, tăng cường miễn dịch và ít đường hơn cam.
Dưa hấu chứa nhiều vitamin A, C, lycopene giúp giảm nhiễm trùng, chống viêm và tăng cường miễn dịch. Đây cũng là loại trái cây thơm ngon mà cả nhà nên ăn quanh năm.
Rau màu xanh đậm
Các loại rau màu xanh đậm (súp lơ, rau dền, rau ngót, rau cải...) chứa nhiều sắt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng tránh táo bón.
Cải bó xôi giàu axit folic giúp tái tạo tế bào, đồng thời nó cũng chứa nhiều vitamin C và kali. Một bát rau cải bó xôi luộc thậm chí còn nhiều kali hơn một cốc chuối cắt lát đầy. Súp lơ xanh cũng là “dũng sĩ” chiến đấu với bệnh tật. Ngoài việc chứa nhiều vitamin C và canxi, nó còn giúp cơ thể giải độc tự nhiên, đồng thời giữ niêm mạc ruột khoẻ mạnh.
Tỏi
|
Rau màu xanh đậm và tỏi chứa dưỡng chất giúp tăng đề kháng.
|
Tỏi có tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ màng tế bào, chống nhiễm trùng, tăng số lượng và sức mạnh chống lại mầm bệnh của bạch cầu. Các nghiên cứu cho thấy, dùng tỏi hàng ngày giảm được 70% nguy cơ cảm lạnh. Trong tỏi có 3 hoạt chất chính là allicin, liallyl sulfide và ajoene. Chất allicin có tác dụng kháng khuẩn cao, song không sẵn có trong tỏi. Khi được cắt mỏng hoặc đập dập, dưới sự xúc tác của phân hoá tố anilaza, chất aliin trong tỏi mới biến thành allicin. Tỏi càng cắt nhỏ hoặc đập nát thì tác dụng chống bệnh tật càng cao.
Người lớn có thể ăn tỏi nướng, tỏi ngâm hoặc làm gia vị xào nấu. Với trẻ nhỏ, mẹ có thể băm nhuyễn nấu ăn hoặc cắt nhỏ để bé uống như uống thuốc cho bớt hăng.
Nghệ
Nghệ chứa nhiều hoạt chất curcumin có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng bệnh thời tiết, chữa dạ dày... Nhiều người không thích mùi vị của nghệ, tuy nhiên bạn có thể chế biến khéo léo để loại bỏ mùi. Chẳng hạn như rắc một ít bột nghệ vào món ăn, nấu cà ri, ướp cá kho hoặc pha mật ong và nước ấm để uống.
Trà xanh
Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và cơ thể chống lại các mầm bệnh gây nhiễm trùng.Chất catechin trong trà xanh giúp tăng cường sức đề kháng, kích thích cơ thể sản sinh nhiều bạch cầu hơn. Duy trì thói quen uống 2 tách trà xanh mỗi ngày khiến bệnh tật tránh xa, tinh thần sảng khoái. Trà ấm cũng giúp bạn nhanh chóng hồi phục khi bị cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Sữa chua bổ sung lợi khuẩn
Mỗi ngày bạn có thể bổ sung 1-2 chai sữa chua, ưu tiên những loại dồi dào lợi khuẩn.
|
Theo chuyên gia dinh dưỡng, gần 70% hoạt động của hệ miễn dịch diễn ra trong ruột. Hệ tiêu hóa càng tốt thì sức đề kháng càng mạnh. Các lợi khuẩn (probiotics) trong sữa chua giúp hệ tiêu hóa cân bằng và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tăng cường số lượng bạch cầu. Chúng còn kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng và khả năng hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể. |