Đó là những món ăn quen thuộc, gần gũi nhưng không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người dân miền Bắc.
Bánh Chưng: Bánh chưng là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Không chỉ là món ăn ngon, bánh chưng còn mang giá trị tinh thầncủa người Việt.
Dưa hành: Dưa hành thường được sử dụng như một món gia vị ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều dầu mỡ như thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc cho đỡ ngán. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Các loại mứt: Cũng là một trong những đồ ăn không thể thiếu trên bàn thờ, bàn tiếp khách trong những ngày đầu năm mới.
Thịt đông: Món ăn khá đặc trưng trong ngày Tết được làm từ tai heo, thịt chân giò, bì heo, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu và gia vị. Thịt đông ngon mềm, thanh mát mà không hề bị ngấy.
Giò lụa: Giò lụa được làm từ thịt heo ngon có lẫn mỡ. Thịt được xay cùng với các gia vị như bột năng, bột nở, đường, bột nêm, tiêu trắng, nước mắm... sau đó thêm bọc lại với lá chuối và hấp chín.
Măng nấu móng giò: Món canh vừa có mùi thơm đặc trưng của măng, mềm mềm, beo béo của móng giò nhưng không ngán. Đây cũng là một trong những món ngon đặc trưng ngày Tết Nguyên đán.
Nem rán: Nem rán vàng ươm, giòn tan, hấp dẫn là một trong những món ăn truyền thống của người Việt trong những ngày Tết. Nhân nem được làm từ miến, mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, giá đỗ, hành lá, thịt xay và trứng gà. Nhân được cuộn với bánh đa nem rồi đem rán giòn. Nem chấm với nước mắm chua ngọt là hấp dẫn nhất.
Gà luộc: Gà luộc cũng là món ăn ít khi thiếu vắng trên mỗi bàn thờ, mâm cỗ. Gà có thể cúng nguyên con hoặc gà chặt xếp ra đĩa.
Canh bóng: Canh bóng không chỉ ngon mà còn hấp dẫn bởi màu sắc sinh động: gồm màu đỏ của cà rốt, xanh bông cải xanh và đậu Hà Lan, trắng trong của bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá...
Theo VOV