Sodium Lauryl Sulfate hay SLS là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp, chất tẩy rửa, kem đánh răng và các sản phẩm làm sạch, thường được chỉ ra là thủ phạm chính gây ra các trường hợp kích ứng, tổn thương da và tóc. Gần đây ngày càng có nhiều xu hướng khuyên chúng ta nên tránh các sản phẩm chứa SLS, nhưng nó thực sự có hại đến vậy?

Hình minh họa. Nguồn: (Curology/Unsplash)

Vì sao SLS được sử dụng phổ biến?

Hầu hết các sản phẩm làm sạch hoặc mỹ phẩm đều có thành phần gồm một gốc dầu và một gốc nước. Tuy nhiên, do dầu và nước không hòa tan, người ta dùng các chất hoạt động bề mặt (surfactant) để tạo liên kết giữa các phân tử dầu và nước.

Sodium Lauryl Sulfate là một chất hoạt động bề mặt có hiệu quả cao, trong khi giá thành lại rẻ và sẵn có. Do đó, nó được sử dụng rất nhiều trong các sản phẩm mỹ phẩm và hàng tiêu dùng.

Vậy SLS có hại hay không?

Lớp ngoài cùng của da được coi là lớp phòng thủ đặc biệt, giúp bảo vệ da khỏi các thành phần có hại và cũng là bề mặt chịu tác động chính của các chất hoạt động bề mặt như SLS. Sử dụng các sản phẩm chứa chất hoạt động bề mặt quá mạnh sẽ dần làm yếu đi cơ chế bảo vệ và tăng nguy cơ tổn thương da.

Một số chất hoạt động bề mặt có tác dụng mạnh hơn các chất khác, đồng nghĩa với nguy cơ gây kích ứng da cao hơn. SLS đã được nhiều nghiên cứu chứng minh gây kích ứng, có khả năng thẩm thấu qua da người và liệt vào danh sách các chất hoạt động bề mặt có hại.

Một nghiên cứu tại Đức đã phát hiện 42% trong 1.600 người xuất hiện phản ứng kích ứng với SLS. Thử nghiệm khác trên 7 tình nguyện viên được theo dõi liên tục trong 3 tháng rưỡi cho thấy tiếp xúc thường xuyên với chất này khiến da bị kích ứng và tình trạng da chỉ thuyên giảm khi ngừng tiếp xúc hoàn toàn. Một nghiên cứu còn cho rằng nhiệt độ nước hòa tan SLS cao, kích ứng với da sẽ càng mạnh.

Trên thực tế, SLS còn được dùng làm thang đo chuẩn trong thử nghiệm da liễu. Các sản phẩm mới sẽ được thử nghiệm độ dịu nhẹ bằng cách so sánh khả năng gây kích ứng với SLS – chất gây kích ứng đã được công nhận.

Những người có làn da nhạy cảm, sau khi tiếp xúc với SLS, da sẽ có dấu hiệu mẩn đỏ, đóng vảy, ngứa hoặc sưng. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh SLS có thể gây ung thư như một số tài liệu trên mạng đưa tin.

Vì sao SLS vẫn được sử dụng rộng rãi?

Dù được công nhận là chất gây kích ứng da, SLS vẫn được cấp phép sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm hàng ngày. Bởi lẽ, SLS chỉ nguy hiểm đối với da khi tiếp xúc trong thời gian dài. Trong khi, các sản phẩm tiêu dùng thông thường như chất tẩy rửa, xà phòng chứa SLS sẽ không ở lâu trên da, đồng nghĩa với nguy cơ da bị tổn thương là khá thấp.

Do đó, SLS không hoàn toàn bị cấm sử dụng mà chỉ phải tuân theo quy định về nồng độ tối đa trong sản phẩm. Mức quy định này là khác nhau, phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc của sản phẩm với da. Chẳng hạn, các sản phẩm lưu lại trên da trong thời gian dài sẽ chỉ được chứa lượng SLS từ 0,05 đến 2,5% trong bảng thành phần.

Đồng thời, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và mỹ phẩm đều buộc phải thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm và cảnh báo mức độ kích ứng trên bao bì sản phẩm. Do đó, hầu hết sản phẩm có chứa SLS đều đi kèm dòng cảnh báo “Nếu sản phẩm này gây mẩn đỏ hay kích ứng gì cho da, vui lòng ngưng sử dụng và đến bác sĩ”.

Những ai nên tránh xa SLS?

Những người có tiền sử da nhạy cảm hoặc cực nhạy cảm, bệnh nhân mắc các bệnh về da liễu như eczema, ban đỏ, vảy nến được khuyến cáo tránh xa các sản phẩm chứa SLS.

Một số chất hoạt động bề mặt khác an toàn hơn để thay thế bao gồm các loại cồn béo ethoxylate, alkyl phenol ethoxylate hoặc axit béo alkoxylate. Nếu nghi ngờ SLS gây kích ứng da, cần ngưng sử dụng và đến dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn. Đồng thời, trên các bao bì sản phẩm chăm sóc da cũng có các số điện thoại đường dây nóng giúp người tiêu dùng báo cáo các trường hợp tổn thương nặng.

Nguồn:

https://www.sciencealert.com/this-common-soap-and-toothpaste-chemical-can-be-a-skin-irritant