Loãng xương ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới và không thể thay đổi một số yếu tố nguy cơ chính, chẳng hạn như lão hóa. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều yếu tố rủi ro môi trường được làm sáng tỏ, và ô nhiễm không khí dường như là một trong số đó.
Bài viết được chia sẻ trên Pinterest New research mới đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe xương và chất lượng không khí xung quanh.
Loãng xương là một tình trạng đặc trưng bởi sự suy giảm mật độ xương, khiến chúng trở nên suy yếu, giòn và dễ vỡ. Tình trạng này có xu hướng ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên một số yếu tố môi trường - như thiếu vitamin D - cũng có thể là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Trong khi các nghiên cứu về nguyên nhân và các chiến lược phòng ngừa tốt nhất chống lại tình trạng này vẫn đang diễn ra liên tục, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện ra các yếu tố rủi ro tiềm ẩn gây bệnh loãng xương.
Nghiên cứu mới do Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona đứng đầu đã cho thấy chất lượng không khí kém có thể dẫn đến suy giảm mật độ xương ở người cao tuổi. Những phát hiện này đã được công bố trên JAMA Network Open mới đây.
Tiến sỹ Otavio Ranzani, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu đã cung cấp thêm yếu tố nguy cơ khác vào danh mục một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương”.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu liên quan đến sức khỏe xương khớp và điều kiện sống của 3717 người, bao gồm 1711 phụ nữ đến từ các nơi khác nhau của Ấn Độ.
Nghiên cứu áp dụng phương pháp ước tính về mức tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm ngoài trời, bao gồm carbon và các hạt vật chất mịn (bụi mịn) trong không khí. Các hạt mịn này là những hạt cực nhỏ phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như từ khí thải phương tiện giao thông. Các hạt này tồn tại trong không khí trong thời gian dài và có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua phổi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phân tích đến dữ liệu tự báo cáo của những người tham gia về các loại nhiên liệu họ sử dụng khi nấu ăn. Có đến 58% số người tham gia báo cáo sử dụng nhiên liệu sinh khối để nấu ăn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thực hành này và sức khỏe xương kém.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục xem xét mối liên hệ giữa chất lượng không khí và sức khỏe của xương, phân tích các phép đo mật độ xương ở cột sống thắt lưng và xương hông trái của những người tham gia. Họ phát hiện ra rằng những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn không khí xung quanh ô nhiễm - đặc biệt là hít phải các hạt mịn - có mức khối lượng xương thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng mức độ phơi nhiễm hạt mịn trong không khí của những người tham gia là 32,8 microgam/m3 mỗi năm. Mức độ này cao hơn nhiều lần so với giới hạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị là 10 microgam/m3.
Theo Dantri