Các doanh nghiệp Australia đang phải trả giá cho vấn đề cờ bạc của xã hội, cụ thể là hành vi trộm cắp tại nơi làm việc - “tác dụng phụ” rất tốn kém được tạo ra bởi thói nghiện cờ bạc của các nhân viên.

“Nghiện cờ bạc là một động lực lớn cho nạn trộm cắp tại nơi làm việc” - ông Brett Warfield - một kế toán pháp y (nghề sử dụng kỹ năng kế toán, kiểm toán và điều tra để trợ giúp trong các vấn đề pháp lý) - cho biết.

Trộm cắp nơi công sở là một tác dụng phụ của chứng nghiện cờ bạc. Ảnh: Saintpetersblog
Trộm cắp nơi công sở là một tác dụng phụ của chứng nghiện cờ bạc. Ảnh: Saintpetersblog

Vị giám đốc điều hành của Công ty luật Warfield and Associates cũng cho biết, công ty đã phân tích 240 vụ trộm cắp tại nơi làm việc có liên quan đến vấn đề cờ bạc trên khắp Australia trong vòng 5 năm. Warfield and Associates đang nghiên cứu mối tương quan giữa cờ bạc và trộm cắp với mục đích làm sáng tỏ những động lực và cách thức của những kẻ lừa đảo.

Khoảng 100 trong số 240 vụ trộm cắp được khảo sát liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hành vi gian lận phổ biến nhất trong trường hợp này là trộm tiền, gian lận chuyển tiền điện tử và làm hóa đơn sai. Các lĩnh vực thuộc về hoạt động kinh doanh khách sạn, sản xuất và y tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã cảm thấy choáng váng khi phát hiện ra hành vi trộm cắp của nhân viên. Họ nói với tôi rằng: “Không thể tin được, tôi đã rất tin tưởng những người này. Chúng tôi giống như một gia đình vậy”” - ông Warfield tiết lộ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những tên trộm nghiện cờ bạc thường tiếp tục hành vi trộm cắp và nướng tiền vào sới bạc cho tới khi bị bắt.

Hành vi ăn cắp của các nhân viên đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Australia. Nơi chịu hậu quả nặng nhất là các doanh nghiệp buông lỏng quản lý, dành ít thời gian và ít giao phó trách nhiệm.

Nicki Dowling - Giáo sư tâm lý tại Đại học Deakin - cho biết, trên toàn thế giới có khoảng 1/4-1/3 những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ các vấn đề cờ bạc có hành vi biển thủ hoặc đánh cắp ở nơi làm việc. Tuy nhiên theo ông, những kẻ trộm cắp đó nhiều khi không bị pháp luật trừng trị. Nguyên nhân là nhà tuyển dụng cảm thấy mình thật ngốc khi bị những nhân viên tin cẩn lừa và không muốn tiết lộ điều đó. Phương án họ lựa chọn thường là không báo cảnh sát.

Tuy nhiên, theo ông Mark Stone - Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp Victoria, trộm cắp tại nơi làm việc là hành vi phạm pháp và các nhà tuyển dụng cần phải báo cảnh sát. “Không có gì phải xấu hổ khi trình báo về một nhân viên mà mình đang ngờ có hành vi ăn cắp cả”.