Thức khuya, ngủ ngày làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực, loạn nhịp tim, khó thở.

nguy-hai-khon-luong-tu-thoi-quen-dem-thuc-khuya-ngay-ngu-nuong

Ảnh minh họa: Dareen.

Theo Health, cả Đông và Tây y đều khẳng địnhtrong cơ thể con người có tồn tại đồng hồ sinh học. Nếu biết cách sắp xếp thời gian làm việc và ngủ nghỉ thuận theo thời gian biểu này sẽ giúp bạn có được sức khỏe tốt và ngược lại.

Cơ thể con người cũng tồn tại như vạn vật trên thế giới với những quy luật riêng. Chẳng hạn như thời tiết có các mùa luân phiên thay đổi, một số loài động vật có mùa di trú nhất định, một số loài khác thì có cấu tạo cơ thể đặc biệt để phù hợp với lịch hoạt động ban đêm và ngủ nghỉ vào ban ngày.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe con người sẽ sung mãn nhất khi ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ vào ban đêm. Khoảng từ 23h trở đi, các hoạt động đào thải độc tố của gan, thận cũng như sự tái tạo của các tế bào diễn ra rất mạnh đòi hỏi điều kiện bắt buộc là cơ thể phải ở trong trạng thái ngủ sâu. Cơ chế này sẽ bị bẻ gẫy nếu bạn đi ngược với quy luật của đồng hồ sinh học. Dù hôm sau bạn dùng gấp đôi thời gian để ngủ cũng không thể bù đắp được.

Ngày nay ảnh hưởng của lối sống hiện đại cùng với sự phát triển của các loại hình dịch vụ giải trí online khiến nhiều người có thói quen ngủ nghỉ ngược với tự nhiên. Đặc biệt là các bạn trẻ có xu hướng thích cuộc sống về đêm, thức đến 1-2h sáng để xem phim, nghe nhạc, lướt web rồi ngủ nướng đến 8-9h sáng hôm sau mới dậy.

Các nhà khoa học gọi nhóm người thích thức khuya ngủ nướng là "cú đêm" bởi họ có đặc điểm phân bổ thời gian trong ngày chẳng khác gì loài cú. Khảo sát cho thấy họ thường cảm thấy rất hăng hái vào buổi tối nhưng đến sáng lại uể oải. Vì thường xuyên đi ngược quy luật tự nhiên nên đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo ngược hoàn toàn, kết quả là sức khỏe giảm sút, hệ thống miễn dịch ngày càng yếu đi, bệnh tật ngày càng nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đó là lý do các "cú đêm" thường phàn nàn về tình trạng đau đầu, chóng mặt, hay quên, chán ăn, buồn nôn, loạn nhịp tim, tức ngực khó thở, giảm năng suất lao động và kết quả học tập.