Đến nay, vụ việc 3.500 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại TP.HCM đã được xử lý. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn không khỏi lo lắng bởi đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc tương tự.
Tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ là hành vi nguy hiểm cần bị xử lý nghiêm (Ảnh minh họa)
Gian lận thương mại để tăng lợi nhuận
Vụ việc hơn 3.500 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại một lò mổ nổi tiếng trên địa bàn TP.HCM không phải lần đầu tiên xảy ra. Tháng 2-2017, Chi cục Thú y TP.HCM từng phát hiện 21/100 con lợn bị tiêm thuốc an thần ở một cơ sở giết mổ tại huyện Củ Chi đã bị thịt và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trước đó, năm 2015 và 2016 cũng có các vụ việc tương tự được phát hiện. Điều người tiêu dùng quan tâm là nếu sử dụng phải thịt lợn bị tiêm thuốc an thần có hại cho sức khỏe ra sao, và việc tiêm thuốc an thần cho lợn nhằm mục đích gì, bởi rất có thể còn có những vụ việc tương tự, thậm chí có những sản phẩm thịt lợn bị tiêm thuốc an thần đã đưa ra thị trường mà không phát hiện được.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc thương lái tiêm thuốc an thần vào lợn sống trước khi đưa vào lò giết mổ là nhằm mục đích để lợn không vùng vẫy cắn nhau, không ói mửa, để vận chuyển được số lượng nhiều hơn, dễ dàng hơn và lợn không bị giảm nhiều trọng lượng.
Thậm chí, không loại trừ khả năng tiêm thuốc an thần cho lợn để giúp lợn không hoảng loạn, nhằm cho việc bơm nước vào lợn để tăng và giữ trọng lượng được dễ dàng hơn. Ông Thịnh nhấn mạnh, đây là hành vi gian lận thương mại. Do vậy, cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần tố giác và xử phạt thật nặng người vi phạm cũng như người “thông đồng”, vô trách nhiệm trong vấn đề này.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu thịt lợn bị tiêm thuốc an thần được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không thể xác định thịt được lợn có bị tiêm thuốc hay không bằng mắt thường. Có chăng, khi chọn mua thịt lợn, người tiêu dùng nên quan sát kỹ màu sắc thịt, nếu thấy thịt đỏ tươi bất thường hay khi thấy thịt mềm, rỉ nước, căng mọng nước… thì nên cẩn trọng. Bởi nếu thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc, sờ vào thớ thịt cho cảm giác đàn hồi, thịt khô và dính vào tay.
Có thể gây trầm cảm, thiểu năng trí tuệ
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành-Thanh tra Bộ NN&PTNT, người ăn phải thịt lợn có tồn dư thuốc an thần sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây rối loạn hoạt động, ức chế thần kinh, hạ huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ra trầm cảm, thiểu năng trí tuệ... Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em và những người có bệnh tim mạch, gan, thận.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Khoa Dược - ĐH Y Dược TP.HCM cũng khẳng định, khi sử dụng thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nhức đầu chóng mặt, tăng cân, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp, trầm cảm. Thậm chí, nếu ăn nhiều thịt có tồn dư thuốc, người dùng có nguy cơ bị mục xương, ung thư tủy, nhất là với phụ nữ đang mang thai hay nuôi con bằng sữa mẹ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, thuốc an thần trước đây thường chỉ được dùng để điều trị cho người, nhưng sau đó được dùng cả trong thú y. Cụ thể, thuốc này thường được sử dụng cho những con lợn chuẩn bị đẻ, nhằm làm dịu thần kinh của lợn, tránh lợn mẹ cắn lợn con. Tuy nhiên, lâu dần, người ta lạm dụng thuốc an thần để tiêm cho cả lợn thịt ngay trước khi giết mổ bởi tiêm thuốc này vào lợn sẽ ngủ, không quậy phá khiến trọng lượng của lợn giảm.
Được biết, để ngăn chặn tình trạng này, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra trong lĩnh vực thú y trên cả nước. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng tăng cường rà soát lại các quy định và các chế tài xử phạt đảm bảo biện pháp xử phạt đủ sức răn đe; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y và lực lượng thanh tra chuyên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.