“Với mỗi 10 cm chiều cao tăng lên, rủi ro mắc bệnh giãn tĩnh mạch của bạn sẽ cao hơn khoảng 25%”, Erik Ingelsson, nhà nghiên cứu về tim mạch tại Trường Y khoa thuộc Đại học Stanford(Mỹ), cho biết. “Chúng tôi có bằng chứng khá rõ ràng về việc chiều cao có liên quan đến các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.”
Hiện tượng giãn tĩnh mạch ở chân. Ảnh: DNA India
Giãn tĩnh mạch là hiện tượng các tĩnh mạch bị sưng phồng, xoắn lại và xù xì, có thể nhìn thấy ngay dưới bề mặt da. Chúng thường có màu tím hoặc xanh đậm và xuất hiện nhiều nhất ở chân. “Giãn tĩnh mạch không làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ của một người. Nhìn chung nó là một căn bệnh lành tính”, Nieca Goldberg, giám đốc y khoa tại Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Joan H. Tisch (Mỹ) đồng thời là người phát ngôn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, những tĩnh mạch này có thể trở nên đau nhức, ngứa, góp phần làm chân bị sưng lên do giữ nước. Bệnh giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến 25% phụ nữ và 15% nam giới, theo Tổ chức Bệnh Mạch máu (VDF).
Cấu tạo của tĩnh mạch giúp nó nhanh chóng dẫn máu quay trở lại tim, với sự hỗ trợ của các van một chiều. Khi những van một chiều bị hư hỏng, máu bắt đầu tích tụ tại các tĩnh mạch, khiến chúng sưng lên và kéo căng thành tĩnh mạch, Goldberg cho biết.
Yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển của tình trạng giãn tĩnh mạch. Nếu gia đình bạn có nhiều người bị giãn tĩnh mạch thì khả năng cao bạn cũng phát triển căn bệnh này.
Để tìm hiểu những yếu tố tiềm tàng khác gây ra bệnh giãn tĩnh mạch, nhóm nghiên cứu do Ingelsson và Goldberg đứng đầu đã phân tích sức khỏe của hơn 413.000 người ở độ tuổi từ 40 đến 69 trên khắp Vương quốc Anh. Trong số những người tham gia, có gần 9.600 người bị giãn tĩnh mạch.
Các nhà khoa học đã xác nhận một loạt yếu tố nguy cơ gây ra bệnh giãn tĩnh mạch được biết đến trước đó bao gồm tuổi tác, giới tính, béo phì, mang thai và tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch sâu (hiện tượng một cục máu đông hình thành trong một tĩnh mạch sâu, thường là ở chân).
Nhưng khi họ phân loại những người tham gia nghiên cứu theo chiều cao, họ nhận thấy rằng 1/4 số người tham gia cao nhất có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch lớn hơn 74% so với 1/4 số người tham gia thấp nhất. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation vào ngày 24/9.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do chiều cao làm tăng thêm áp suất trong các tĩnh mạch đang cố gắng dẫn máu trở về tim. “Nếu bạn càng cao, áp suất dồn xuống các tĩnh mạch của bạn càng tăng lên”, Ingelsson nói.
Những người có chiều cao lớn có thể giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch bằng cách sử dụng tất áp lực hoặc tất y khoa, đặc biệt nếu họ là người dành nhiều thời gian đi bộ, Goldberg nói. Hiện nay, tình trạng giãn tĩnh mạch nặng, gây khó chịu hoặc làm mất thẩm mỹ cho bệnh nhân được loại bỏ một cách an toàn thông qua hình thức phẫu thuật bằng tia laser.