Theo một nghiên cứu theo dõi thói quen ngủ ban ngày của người cao tuổi, ngủ trưa dài có thể là dấu hiệu báo trước bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu mới cho thấy thời gian ngủ trưa dài có liên quan đến nguy cơ cao mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ hoặc bệnh Alzheimer. Nhưng các nhà khoa học cho rằng ngủ trưa dài là một dấu hiệu cảnh báo sớm, chứ không phải nguyên nhân dẫn đến Alzheimer.

Hình minh họa. Nguồn: Cultura Creative/Alamy

Tiến sĩ Yue Leng, giáo sư tâm thần học tại Đại học California San Francisco cho biết: “Ngủ trưa dài có thể là một tín hiệu của quá trình lão hóa đang gia tăng. Bài học rút ra là nếu bạn không thường ngủ trưa, và nhận thấy mình bắt đầu cảm thấy buồn ngủ hơn trong ngày, thì đó có thể là dấu hiệu của việc sức khỏe nhận thức đang giảm sút.”

Các nhà khoa học đã theo dõi hơn 1.000 người, với độ tuổi trung bình là 81, trong vài năm. Mỗi năm, những người tham gia đeo một thiết bị giống đồng hồ để theo dõi chuyển động trong vòng 14 ngày. Mỗi một khoảng thời gian không chuyển động dài vài tiếng trong ngày được hiểu là một giấc ngủ ngắn hoặc ngủ trưa.

Những người tham gia cũng thực hiện các bài kiểm tra đánh giá nhận thức mỗi năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, 76% người tham gia không bị suy giảm nhận thức, 20% bị suy giảm nhận thức nhẹ và 4% mắc bệnh Alzheimer.

Đối với những người tham gia không bị suy giảm nhận thức, thời gian ngủ trưa hàng ngày tăng trung bình 11 phút mỗi năm. Thời gian này tăng nhanh hơn, trung bình 24 phút mỗi năm, sau khi họ được chẩn đoán mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Và tăng nhanh đến 68 phút mỗi năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alzheimer’s and dementia.

Nhìn chung, những người ngủ trưa hơn một giờ mỗi ngày có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cao hơn 40% so với những người ngủ trưa ít hơn một giờ mỗi ngày; và những người tham gia ngủ trưa ít nhất một lần mỗi ngày có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer’s cao hơn 40% so với những người ngủ trưa ít hơn một lần mỗi ngày (có nghĩa là có những ngày không ngủ trưa).

Nghiên cứu trước đây, so sánh các bộ não sau khi chết, cho thấy những người bị bệnh Alzheimer được phát hiện có ít tế bào thần kinh chuyên biệt giúp thúc đẩy sự tỉnh táo so với người bình thường.

Những giấc ngủ bất thường, mất ngủ vào ban đêm là phổ biến đối với những người mắc chứng sa sút trí tuệ, nhưng nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng có cả mối liên hệ giữa giấc ngủ trưa và bệnh Alzheimer. “Điều này cho thấy rằng bản thân vai trò của giấc ngủ trưa vào ban ngày là rất quan trọng,” Leng nói.

Các tác giả cho biết cảm giác buồn ngủ liên tục trong ngày có thể là một dấu hiệu ban đầu cho thấy những thay đổi đang diễn ra trong não, tiền thân của chứng sa sút trí tuệ.

Leng cho biết không thể loại trừ khả năng ngủ trưa gây ra các vấn đề về nhận thức nhưng “không có cơ chế sinh học rõ ràng cho thấy việc ngủ trưa có thể gây ra bệnh Alzheimer”.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2022/mar/17/naps-early-sign-alzheimers-disease-study