Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Frontiers in Neurology, âm nhạc cổ điển của Mozart có khả năng giúp giảm đau và viêm, cũng như làm tăng hiệu quả của nhiều loại thuốc khác nhau.
Grzegorz Bulaj, phó giáo sư về hóa dược tại Đại học Utah (Mỹ), và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm trên những con chuột bị thương ở chân do vết cắt hoặc tiêm một hợp chất để gây viêm. Các nhà khoa học chia chuột thành hai nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 8 con. Trong đó, một nhóm chuột được cho nghe âm nhạc của Mozart ba lần một ngày [mỗi lần 3 giờ] liên tục trong 21 ngày. Nhóm chuột kiểm soát còn lại chỉ tiếp xúc với tiếng ồn xung quanh.
Sau thời gian thí nghiệm, nhóm chuột nghe những tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo có thể chịu được sức nóng và áp lực lên chân bị thương lâu hơn 77% so với nhóm chuột không nghe nhạc.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nhạc cổ điển làm tăng đáng kể hiệu quả của nhiều loại thuốc khác nhau. Khi họ điều trị cho những con chuột bị thương ở chân bằng thuốc ibuprofen kết hợp với nghe âm nhạc của Mozart, cơn đau gần như được xóa bỏ hoàn toàn sau ba tuần. Ngoài ra, tình trạng viêm của chúng giảm hơn 93% so với những con chuột chỉ dùng thuốc. Trong khi đó, thuốc cannabidiol (CBD) mang lại hiệu quả giảm đau hơn 21% khi kết hợp với âm nhạc. Kết quả nghiên cứu mở ra một hướng đi mới cho việc điều trị đau và giảm thuốc theo toa.
“Nhiều loại thuốc giảm đau có thể gây độc cho cơ thể. Bằng cách sử dụng âm nhạc để tăng cường hiệu quả của các loại thuốc này, người bệnh chỉ cần dùng một lượng thuốc ít hơn nhiều để hạn chế tác dụng phụ”, Bulaj cho biết. “Đây thực sự là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém, đem lại hiệu quả bất ngờ.”
Để lý giải nguyên nhân khiến âm nhạc của Mozart có tác dụng giảm đau, các nhà khoa học chỉ ra rằng những âm thanh nhẹ nhàng, du dương làm giảm nồng độ các hormone gây căng thẳng và liên quan đến quá trình viêm như cortisol. Âm nhạc cũng giúp điều hòa protein gây viêm trong cơ thể cytokine, đồng thời hỗ trợ sự phát triển tế bào thần kinh mới trong não và tăng khả năng ghi nhớ.
Nhóm nghiên cứu lưu ý, không phải tất cả các thể loại âm nhạc đều có thể giảm đau, chẳng hạn như nhạc rock, gangster rap hoặc K-pop. Để cải thiện sức khỏe, xoa dịu và làm thư giãn hệ thần kinh, loại nhạc bạn nghe phải được hòa âm một cách khéo léo, giai điệu không dồn dập, cường độ âm thanh phù hợp.
Việc áp dụng âm nhạc trong lĩnh vực y tế không phải là mới. Vào thập niên 1940, Mỹ chính thức áp dụng liệu pháp âm nhạc để điều trị sốc tâm lý cho những người lính trở về từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hiện nay, nhiều nhà trị liệu âm nhạc có trình độ cao – trong đó bao gồm 5.000 người Mỹ – đang làm việc tại các bệnh viện hoặc trại cai nghiện. Họ giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng, thư giãn và giảm nhận thức về cơn đau.
Quốc Lê (Theo IFL Science)