Làm cha, mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất đời người. Những ngày tháng đầu đời của con là quãng thời gian tuyệt vời nhất với các bậc cha, mẹ. Trong thời gian này, trẻ cần được chăm sóc tốt để phát triển khỏe mạnh. Khi chăm sóc trẻ, cha, mẹ cần chú ý một số điều dưới đây.
1. Phòng ngừa chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị đột tử mà không rõ nguyên nhân. Đôi khi, trước khi qua đời, trẻ hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu nào của bệnh tật.
Để giảm thiểu tối đa trường hợp đột tử này, cần liên tục theo dõi nhịp thở của bé khi bé ngủ, tốt nhất là 15 phút một lần. Nên đặt bé nằm ngửa, không đặt bé nằm úp hoặc nằm nghiêng. Để bé tránh xa khói thuốc lá và các loại hóa chất.
2. Thận trọng với dây rốn
Khi bé ở trong bụng mẹ, dây rốn chính là “chiếc cầu nối” để mẹ đưa chất dinh dưỡng và oxy cho bé. Sau khi sinh, dây rốn được cắt và để lại cuống dây rốn. Thông thường, vài ngày sau, cuống ấy sẽ khô và chuyển màu sẫm đen, sau 1-2 tuần sẽ tự rụng.
Khi bé chưa rụng cuống dây rốn, cần phải giữ thật khô và thông thoáng, khi mặc tã nên gấp xuống để chừa ra vùng rốn của bé. Nếu thấy các hiện tượng tấy đỏ, rỉ nước thì cần đưa bé đến bác sĩ ngay.
3. Chú ý các thóp tự nhiên của trẻ
Thông thường, trẻ sơ sinh có 2 thóp trên đỉnh đầu, đó là những chỗ hổng của xương sọ khi chúng chưa liền vào nhau. Sau khoảng 14 tháng, các thóp này sẽ đóng lại hoàn toàn.
Cha mẹ cần theo dõi các thóp này của con, khi thóp lõm xuống thì có thể bé đã bị mất nước, cần bổ sung nước cho bé. Nếu sau khi bú mà thóp vẫn lõm hoặc thóp phồng lên ngay cả khi bé ngồi thì cần đưa bé đến khám bác sĩ.
4. Khi bé khóc
Khóc là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh. Đây là cách để bé báo cho cha mẹ biết bé đang đói, mệt, đau hoặc tè dầm. Bé khóc khoảng 5-10 phút là bình thường, cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân bé khóc rồi xử lý chẳng hạn như thay tã, cho bé bú… Lưu ý, không nên lắc bé lên để dỗ bé, vì việc này có thể làm bé bị thương tổn thần kinh, đôi khi dẫn tới tắt thở.
Nếu bé hay khóc thường xuyên mà không rõ lý do, rất có thể bé đã bị chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh. Khi đó, cần đưa bé đến gặp bác sĩ.
5. Lưu ý khi trẻ bị trớ, ộc sữa
Trớ sữa hay ộc sữa là hiện tượng sữa bị trào ra sau khi bú. Đây là hiện tượng bình thường vì vùng thực quản của bé chưa phát triển đầy đủ. Để tránh bị trớ sữa, các mẹ đừng cho bé bú nhiều quá và phải bế thẳng bé lên sau khi cho bú. Trong khi bú, cần cho bé ngậm hết vùng thâm quanh núm vú để tránh bọt khí vào dạ dày của bé.
Nếu bé thường xuyên bị trớ sữa, bé trớ ra dịch có màu vàng hơi xanh (màu của mật) hoặc có lẫn máu, bụng trướng lên thì rất có thể bé đã bị các bệnh đường ruột. Khi đó, cần đưa bé đến khám bác sĩ.