Đó là một trong những phát hiện đáng chú ý từ công bố mới của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.

Tình trạng thừa cân, béo phì, có mức HbA1c từ 6,5% trở lên và có tiền sử bệnh tim mạch là những yếu tố liên quan đến bệnh trầm cảm. Ảnh: Shutterstock

Là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc biệt là ở người lớn, trầm cảm ảnh hưởng đến hơn 120 triệu người trên toàn thế giới.

Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2 (một rối loạn chuyển hóa lâu dài, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết cao, kháng insulin và thiếu hụt insulin tương đối), nguy cơ mắc trầm cảm cũng cao hơn do những "gánh nặng" về mặt cảm xúc, bệnh đi kèm và chi phí điều trị[1]. Tuy nhiên, hiện nay, các nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn hạn chế.

Do đó, để xác định tỷ lệ mắc, đặc điểm, các yếu tố liên quan và kết quả điều trị bệnh trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu đã tiến hành nghiên cứu trên các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024 (với độ tuổi trung bình là 63,8 ± 10,7 tuổi).

Trong đó, tỷ lệ trầm cảm được xác định dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo Phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) và Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần DSM-IV.

Kết quả, trong tổng cộng 225 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 được đưa vào nghiên cứu, có 72 người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, chiếm tỷ lệ 32%.

Trong số những bệnh nhân này, 51 người là nữ (70,8%) và 21 người là nam (29,2%).

Đáng chú ý, tình trạng thừa cân, béo phì, có mức HbA1c (một chỉ số quan trọng trong quản lý bệnh đái tháo đường) từ 6,5% trở lên và có tiền sử bệnh tim mạch là những yếu tố độc lập liên quan đến bệnh trầm cảm.

Sau khi đánh giá tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và các yếu tố liên quan, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đơn. Theo đó, bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm bệnh nhân số lẻ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm sertraline liều 50 mg/ngày, còn nhóm bệnh nhân số chẵn được điều trị bằng liều sertraline 100 mg/ngày. Kết quả cho thấy, việc can thiệp bằng sertraline để điều trị trầm cảm ở cả liều 50 mg/ngày và 100 mg/ngày đều cải thiện đáng kể mức độ trầm cảm sau sáu tháng điều trị.

Nghiên cứu đã được công bố trong bài báo "Trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2: Tỷ lệ mắc bệnh, đặc điểm, các yếu tố liên quan và kết quả điều trị" (Depression in type 2 diabetes mellitus: Prevalence, characteristics, associated factors, and treatment outcomes) trên tạp chí Endocrine and Metabolic Science.