Mô hình ngân hàng máu sống là một phần trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” được chọn trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016. Tác giả mô hình này là GS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (NIHBT).
Có máu, nhưng không thể bảo quản
“Thiếu máu, bác sỹ chờ, bệnh nhân chờ. Bác sỹ bất lực nhìn cơ hội sống của bệnh nhân trôi qua” - GS Trí nói về bi kịch xảy ra ở nhiều cơ sở y tế xa trung tâm lưu trữ máu.
Việt Nam có hàng nghìn đảo, các điểm vùng sâu, vùng xa. Làm sao để có nguồn máu cứu người lúc khẩn cấp là một thử thách sống còn. Tuy không phải lúc nào cũng cần, nhưng khi cần thì chỉ 1 đơn vị máu (250ml) cũng có thể cứu một mạng người. Vấn đề là nhiều khi máu vượt qua chặng đường dài và hiểm trở, đến nơi thì bệnh nhân đã không đợi được nữa.
Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Anh Trí trao tặng thẻ nhóm máu cho thành viên Câu lạc bộ Hiến máu dự bị huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Hằng
Tại sao chính cơ sở y tế đó không dự trữ máu? “Mọi người hãy hình dung, ở nơi không có điện hay điện chỉ được cấp đến 10 giờ đêm thì lấy máu về bảo quản ở đâu?” - GS Trí giải thích và kể một kỷ niệm khó quên trong quá trình triển khai mô hình ngân hàng máu sống.
Lần đó đoàn của ông ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đến bàn giao danh sách 31 bạn trẻ trong đội hiến máu dự bị cho Bệnh viên Quân - Dân y. Giám đốc bệnh viện ứa nước mắt nói với ông: “Thầy ơi, bệnh viện em trang thiết bị không thiếu gì, điều kiện phẫu thuật tốt. Bác sỹ có, thạc sỹ cũng có nhưng lâu nay không dám mổ vì sợ hạ dao mổ khi không có máu. Bây giờ có danh sách này rồi, em sẽ triển khai sớm và tiến hành phẫu thuật được”.
“Chỉ một tờ giấy giản dị như thế đã làm thay đổi cả hệ thống y tế nơi đây” - GS Nguyễn Anh Trí nói.
Thực chất, hiệu quả và bền vững
Năm 2010, dự hội nghị ở Côn Đảo, GS Trí chợt loé lên ý nghĩ xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững để giải quyết nạn thiếu máu ở hải đảo, vùng xa.
“Thực chất” là người đăng ký sẵn sàng hiến máu; “hiệu quả” là máu đó có thể dùng ngay cho bệnh nhân; “bền vững” là họ sẵn sàng hiến máu nhiều lần. Để ý tưởng này thành hiện thực, NIHBT đã xây dựng 10 quy trình chuẩn, từ kêu gọi hiến máu, xét nghiệm bệnh lây qua truyền máu đến lập danh sách lực lượng hiến máu dự bị nằm trong ngân hàng máu sống của địa phương.
“Cơ thể con người chính là tủ lạnh giữ máu chứ đâu xa” - GS Trí nói và tiết lộ, chỉ cần 1% dân số sẵn sàng hiến máu khi khẩn cấp, thậm chí 5% với các đảo đông dân là đủ giải bài toán thiếu máu ở nơi không có điều kiện lưu trữ máu. Máu được bảo quản ngay trong cơ thể nên chi phí thấp, lại luôn được thay mới, có thể lấy bất cứ lúc nào. Mô hình này được triển khai từ năm 2011.
Bác sỹ Phạm Văn Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cát Bà, Hải Phòng, nói: “Trước đây, hễ bệnh nhân cần máu, người nhà phải thuê xuồng, tàu cao tốc cùng nhân viên bệnh viên vào đất liền, tới Trung tâm Truyền máu Hải Phòng nhận máu. Có khi thời tiết xấu, tàu đi trong đêm tối bị lạc, đi từ 5 giờ chiều mà tận 5 giờ sáng mới vào đến thành phố. Với ngân hàng máu sống, giờ đây chúng tôi yên tâm xử lý các ca cần truyền máu tại đảo”.
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này không phải lúc nào cũng thuận lợi. TS Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động và Hiến máu, NIHBT - kể: “Khi chúng tôi đang họp triển khai ở huyện Điện Biên Đông, Điện Biên thì một sản phụ bị băng huyết, rất nguy kịch. Chúng tôi đã huy động được 2 người hiến máu, nhưng gia đình không đồng ý vì cho rằng truyền máu người khác là “truyền con ma” vào người mình. Phải thuyết phục rất lâu, họ mới chấp nhận và sản phụ được cứu sống”.
Vượt qua những khó khăn đó, với quy trình khoa học và công tác vận động, tuyên truyền hiệu quả, mô hình ngân hàng máu sống đã được nhân rộng ở nhiều địa phương, kịp thời cứu sống nhiều nạn nhân.