Điện thoại thông minh, máy tính bảng và trò chơi điện tử đang góp phần làm thay đổi cấu trúc não của trẻ em. Đây là kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu trị giá 300 triệu USD với tên gọi “Sự phát triển nhận thức não bộ của trẻ” được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH).
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học theo dõi 11.000 đứa trẻ từ 9 đến 10 tuổi trong một thập kỷ để xem những trải nghiệm thời thơ ấu – bao gồm việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số – sẽ ảnh hưởng đến bộ não, sự phát triển cảm xúc và sức khỏe tinh thần của chúng như thế nào.
Dữ liệu quét não của hơn 4.500 đứa trẻ được công bố ngày 10/12 cho thấy, những đứa trẻ nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử nhiều hơn 7 giờ một ngày sẽ có vỏ não mỏng hơn mức bình thường. Võ não là lớp ngoài cùng của não, chịu trách nhiệm xử lý thông tin từ thế giới vật lý. Nó đóng vai trò quan trọng đối với những chức năng nhận thức như ngôn ngữ, trí nhớ, ý thức.
Gaya Dowling, giám đốc nghiên cứu của NIH, cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng từ những phát hiện ban đầu. “Chúng tôi chưa dám chắc sự khác biệt này của vỏ não có phải là do thời gian nhìn màn hình quá nhiều hay không. Điều chúng tôi có thể nói là não của những đứa trẻ xem màn hình quá lâu sẽ trông như thế nào. Đặc biệt là có nhiều biểu đồ não dày mỏng khác nhau tùy từng đứa trẻ”, Dowling nói.
Tuy nhiên, Dowling cho rằng trẻ nhỏ hiện nay đang sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, làm dấy lên nỗi lo về khả năng nhận thức và sự phát triển về mặt xã hội của trẻ. Theo kết quả nghiên cứu, nhóm trẻ nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử nhiều hơn 2 giờ/ngày có điểm kiểm tra trí nhớ, tư duy và khả năng ngôn ngữ thấp hơn những đứa trẻ khác.
Tại Canada và Mỹ, các bác sỹ thường khuyên trẻ em trên 6 tuổi không nên dành quá 2 giờ mỗi ngày để xem màn hình, nhưng trong nghiên cứu chỉ có 37% trẻ em đáp ứng được tiêu chí trên.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng thời gian sử dụng màn hình không phải là yếu tố duy nhất tác động tới kỹ năng tư duy của trẻ, mà những thói quen thường ngày cũng có tác động rất lớn. Cụ thể, chỉ có 50% số trẻ em tham gia nghiên cứu ngủ đủ giấc từ 9 đến 11 tiếng theo khuyến nghị, 18% số trẻ tập luyện thể dục ít nhất 1 tiếng/ngày. Trong khi đó, 5% số trẻ đáp ứng được cả ba tiêu chí và 30% không đạt được tiêu chí nào.
Dimitri Christakis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle (Mỹ), cảnh báo ngày càng có nhiều phụ huynh dùng thiết bị thông minh để dỗ dành trẻ nhỏ thay vì tự làm điều này. Christakis khẳng định tương tác giữa cha mẹ và con cái đang dần bị thay thế bởi công nghệ. “Trẻ nhỏ cần sự chăm sóc của bố mẹ, không phải các ứng dụng”, Christakis nói.
Trong một số nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học phát hiện ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị kỹ thuật số khác cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực của người dùng và làm tăng nguy cơ mù lòa.
Phạm Nhật (Theo Bloomberg)