Theo các nhà khoa học Hà Lan, hiện tượng bóng đè có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như lo lắng, khó ngủ, sợ hãi, thậm chí là rối loạn hoang tưởng.


Tác phẩm Nightmare của Henri Fusali (1781) được xem là tác phẩm khắc họa hiện tượng bóng đè nổi tiếng. Ảnh: News
Tác phẩm Nightmare của Henri Fusali (1781) được xem là tác phẩm khắc họa hiện tượng bóng đè nổi tiếng. Ảnh: News

Nếu bạn thức dậy đột ngột vào lúc nửa đêm và không thể cử động được chân tay, bạn đang trải qua hiện tượng gọi là bóng đè. Dù đầu óc vẫn tỉnh táo, nhưng cơ thể bạn tạm thời bị tê liệt trong thời gian ngắn, khoảng vài giây hoặc vài phút.

“Tình trạng tê liệt trong khi ngủ có thể sinh ra nhiều trải nghiệm đáng sợ. Hiểu biết rõ về nguyên nhân gây bóng đè sẽ mang lại ý nghĩa lớn đối với những người chịu ảnh hưởng từ nó”, Baland Jalal, nhà thần kinh học tại Đại học California (Mỹ), cho biết.

Jan Dirk Blom, giáo sư về rối loạn tâm thần tại Đại học Leiden (Hà Lan), và đồng nghiệp đã xem xét 13 nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Italy, Mexico về hiện tượng bóng đè. Những nghiên cứu này được tiến hành trên gần 1.800 người tham gia. Họ nhận thấy, khoảng hơn 1 trên 10 người (hay 11% dân số) từng trải nghiệm hiện tượng bóng đè ít nhất một lần trong đời.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychiatry, tỷ lệ bắt gặp hiện tượng bóng đè thường cao hơn trong một số nhóm người nhất định. Ví dụ những người bị rối loạn tâm thần, những người tị nạn và đáng ngạc nhiên bao gồm cả sinh viên. Họ có tỷ lệ trải nghiệm bóng đè lên tới 41%. Phân tích cũng cho thấy, người có tư thế ngủ nằm sấp, người uống rượu và ngủ không đúng giờ cũng hay bị bóng đè.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, hiện tượng bóng đè có mối liên hệ mật thiết với giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Khi xảy ra bóng đè, một phần của bộ não thức dậy, hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức được mọi vật xung quanh còn một phần khác của não thuộc vùng chỉ huy hệ thần kinh vận động vẫn đang ngủ, khiến cơ thể bị tê liệt.

“Nằm trên giường trong tình trạng tê liệt như vậy, hệ thống cảnh báo mối đe dọa của não được kích hoạt, tạo ra ảo giác một sinh vật ngồi trên ngực”, Blom nói.

Trải nghiệm bóng đè thường rất kinh khủng và đáng sợ giống như nằm mơ gặp ác mộng. Blom lưu ý rằng, hiện tượng bóng đè có thể dẫn đến những vấn đề khác như lo lắng, khó ngủ, sợ hãi, thậm chí là rối loạn hoang tưởng [một bệnh hơi giống tâm thần phân liệt]. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đã suy đoán về mối liên hệ có thể xảy ra giữa bóng đè và hội chứng đột tử bất ngờ – hiện tượng một người khỏe mạnh chết một cách bí ẩn trong lúc ngủ.

Những trải nghiệm bóng đè và cách thức mọi người phản ứng lại với nó có thể khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa của mỗi cá nhân. “Những người theo đạo Hồi bị bóng đè thường nói với tôi rằng, hiện tượng này là bằng chứng cho thấy họ đang bị ám ảnh bởi một sinh vật vô hình tên là jinn”, Blom chia sẻ.