Suy thận giai đoạn cuối, dù được người thân hiến tặng nhưng thận không tương thích nên cả 2 phụ nữ trẻ không thể bước vào cuộc ghép. Nhờ phương pháp ghép thận chéo từ người cho sống, 2 bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật, trở về với cuộc sống bình thường.

Được hiến thận nhưng không tương thích

Ngành ghép mô tạng của Việt Nam vừa tiến thêm bước thành công mới, bắt kịp những kỹ thuật ghép của thế giới bằng phương pháp ghép thận chéo từ 2 cặp cho và ghép sống. Kỹ thuật trên lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy đầu tháng 1/2017, thành công của cuộc ghép vừa được bệnh viện công bố ngày 7/2.

Hai cặp phẫu thuật lấy và ghép thận được thực hiện song song

Căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối khiến 2 người phụ nữ trẻ là Lê Thị Ánh Hồng (31 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) và chị Vũ Thị Huề (32 tuổi, ngụ tại Đắk Nông) rơi vào cảnh khốn cùng. Mỗi chị đều đã có 2 đứa con nhỏ, nhưng tình trạng suy thận khiến họ phải sống lệ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo. Nhà ở xa, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, bệnh nhân phải thuê phòng trọ lưu lại TPHCM để tiện việc chạy chữa.

“Tôi gần như không có thời gian về với gia đình, con cái nheo nhóc. Là mẹ, nhưng đến bữa ăn và chuyện học hành của con tôi cũng không lo được, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chồng và bố mẹ già. Gần 2 năm chạy thận, bệnh mỗi ngày một nặng, sự sống của tôi bế tắc. Hy vọng có cuộc sống khỏe mạnh mở ra khi tôi được mẹ ruột quyết định cho thận để thực hiện cuộc ghép. Tuy nhiên, cánh cửa sự sống lại đóng sầm lại khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của tôi và mẹ có nhiều yếu tố không tương thích, khả năng thành công của cuộc ghép rất thấp” - chị Huề chia sẻ.

Nguồn tạng ghép đã hoạt động tốt trong cơ thể bệnh nhân

Cùng cảnh ngộ với chị Huề, hy vọng cũng đến rồi lại tuột khỏi tầm tay chị Ánh Hồng. Sau khi sinh đứa con thứ 2 thì người mẹ trẻ biết mình bị suy thận, hơn 10 tháng chạy thận nhân tạo, chị được bố dượng đồng ý cho thận ghép. Sau nhiều tháng ngược xuôi lên TPHCM để thực hiện các xét nghiệm, bố con họ bật khóc trong tuyệt vọng khi các chỉ số giữ người cho và người nhận không tương thích.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Ngay khi nhận được đăng ký ghép tạng của ca bệnh Vũ Thị Huề, chúng tôi đã thực hiện nhiều xét nghiệm kiểm tra. Tuy nhiên, yếu tố miễn dịch của người cho và người nhận ít hòa hợp, người nhận có kháng thể kháng lại nguồn hiến của người cho, nguy cơ thải ghép tối cấp sẽ xảy ra gây nguy hiểm cho bệnh nhân, sự thất bại của cuộc ghép rất cao”.

Cũng theo PGS. Minh Sâm: “Sau khi đắn đo hơn nửa năm, bệnh viện đã nhiều lần tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới thông qua các cuộc hội thảo khoa học và những buổi làm việc trực tiếp song vẫn không tìm được giải pháp khả thi. Các chuyên gia đều có chung quan điểm, nếu tìm được nguồn tạng hiến phù hợp với cặp cho và nhận khác thì việc thực hiện kỹ thuật ghép chéo là phương án khả quan và an toàn nhất”.

Thêm hy vọng sống cho bệnh nhân suy thận

May mắn đã đến khi bệnh viện nhận được đăng ký cặp cho và nhận tạng thứ 2 giữa người bố dượng và chị Ánh Hồng. Dù người nhận cũng có kháng thể kháng lại nguồn hiến của người cho, tuy nhiên khi xem xét các yếu tố cần thiết giữa người cho của cặp thứ nhất với cặp thứ hai và ngược lại thì lại đạt được độ tương thích rất cao, kháng thể không chống lại kháng nguyên và hòa hợp được về mặt miễn dịch (tương đương người thân cho nhau) đảm bảo đủ điều kiện cho cuộc ghép.

Kỹ thuật ghép thận chéo đã mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối

Ngay khi tìm kiếm được cặp cho và nhận phù hợp, bệnh viện đã mời hai gia đình đến trao đổi về việc thực hiện cuộc ghép chéo với nguồn thận cho từ bố dượng của chị Ánh Hồng sẽ ghép cho chị Huề, nguồn thận cho từ mẹ ruột chị Huề sẽ ghép cho chị Ánh Hồng. Ngay lập tức, cả người bệnh và người cho của hai bên đã vui mừng đồng thuận.

Ngày 11/1/2017, sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cùng lúc 2 ê kíp lấy thận và ghép thận song song, các bác sĩ bắt tay vào cuộc phẫu thuật. “Sau 6 tiếng thực hiện cùng lúc thủ thuật nội soi lấy thận và phẫu thuật ghép thận, chúng tôi đã thực hiện thành công cả 2 cuộc ghép.

Sau phẫu thuật, chức năng thận ghép cho cả 2 người mẹ trẻ đều hoạt động rất tốt, nước tiểu đều và nhiều. Sau 2 ngày hậu phẫu, chức năng thận được ghép vào cơ thể bệnh nhân đã hoạt động bình thường, gần 1 tuần sau, cả người ghép và người cho thận đều được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Đến nay, sau gần 1 tháng thực hiện kỹ thuật ghép tạng, cả 2 bệnh nhân đã khỏe mạnh, ăn uống, sinh hoạt như người bình thường. Tuy nhiên, cũng như những ca ghép khác, các bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc chống thải ghép.

Hai bệnh nhân đã có cuộc sống khỏe mạnh bình thường vui mừng cảm ơn bác sĩ

Đây là 2 cặp ghép thận chéo đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam. PGS Minh Sâm nhận định, thành công của kỹ thuật này sẽ mở ra hướng đi mới cho người bệnh bị suy thận nói riêng và suy tạng nói chung, giúp mở rộng nguồn tạng hiến cho người nhận. Cùng với những phương pháp ghép thận - tạng từ người cho chết não, người cho ngưng tim, dự kiến Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phát triển thêm kỹ thuật ghép thận trên người cho khác nhóm máu.

Kỹ thuật ghép thận trên thế giới với khởi đầu là kỹ thuật ghép từ nguồn hiến của người cho sống đã được thực hiện năm 1954. Tại Việt Nam ca ghép thận đầu tiên hiến hành vào năm 1992.

Kỹ thuật ghép thận chéo lần đầu tiên đã được Hàn Quốc thực hiện thành công vào năm 1991 sau đó Mỹ cũng thực hiện thành công vào năm 2000. Đến nay, kỹ thuật này đã phát triển tại rất nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Cùng với ghép thận chéo, các kỹ thuật ghép thận nói riêng và ghép mô tạng nói chung từ người cho sống, người cho chết não, người cho ngưng tim, người cho khác nhóm máu đang ngày càng mở rộng, phát triển theo chiều sâu, mở ra nhiều hy vọng sống cho người bị suy thận -tạng giai đoạn cuối.