Việc ngồi sau tay lái khi đang trong tâm trạng buồn chán hay giận dữ làm tăng nguy cơ gây tai nạn lên gấp 10 lần so với bình thường - theo kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Virginia (Mỹ).
Sức khỏe tâm lý quan trọng hơn sinh lýNhiều tuyến đường cao tốc trên thế giới hiện nay có lắp đặt các biển khuyến cáo, đề nghị tài xế đỗ lại nghỉ ngơi khi cảm thấy cơ thể không được khỏe, bởi từ lâu khoa học đã khẳng định tình trạng mệt mỏi rất dễ dẫn đến tai nạn khi lái xe.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu giao thông thuộc Đại học Công nghệ Virginia (Mỹ) đã chứng minh rằng, trạng thái tâm lý khỏe mạnh thậm chí còn quan trọng hơn rất nhiều so với tình trạng thể chất.
“Từ lâu, chúng ta biết rằng những nhân tố tác động đến người cầm lái là một trong các yếu tố quan trọng gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta có khả năng tính toán mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến nguy cơ gây tai nạn của tài xế” - tiến sỹ Tom Dingus - tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu giao thông Mỹ - khẳng định.
Để tính toán các nhân tố gây sao nhãng cho tài xế trên đường, các nhà nghiên cứu đã sử dụng camera đặt trong xe và ghi lại thói quen lái xe của hơn 3.500 tài xế tại Mỹ. Dữ liệu này được so sánh với dữ liệu về các vụ tai nạn giao thông.
Kết quả cho thấy, hơn một nửa số tài xế trong nghiên cứu trên có các hành vi nhất định gây rủi ro mỗi khi ngồi sau tay lái. Trong suốt quá trình nghiên cứu, có hơn 900 vụ tai nạn gây thương vong cho con người hoặc hư hại cho tài sản.
Cụ thể, cảm xúc buồn chán, giận dữ hoặc bị kích động khi ngồi sau tay lái làm tăng rủi ro gây tai nạn giao thông lên gần 10 lần so với trạng thái bình thường. Trong khi đó, mức độ rủi ro khi lái xe trong trạng thái mệt mỏi chỉ cao gấp 3 lần bình thường, còn chỉ số này khi nghe điện thoại chỉ là 2 lần.
Hành động với tay lấy một vật dụng gì đó trong xe của tài xế có thể làm tăng nguy cơ va chạm giao thông đến 9 lần, trong khi động tác nhấc điện thoại lên chỉ làm tăng 6 lần mức độ rủi ro. Nếu bấm số điện thoại khi đang lái xe, khả năng gây tai nạn sẽ cao gấp 12 lần so với bình thường.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, trên thực tế, việc nói chuyện điện thoại khi lái xe cũng không nguy hiểm hơn mấy so với hành vi điều chỉnh radio hoặc máy điều hòa nhiệt độ trong xe.
Điều đặc biệt thú vị trong nghiên cứu trên là sự có mặt của trẻ nhỏ trong xe hơi lại làm giảm nguy cơ va chạm, trái với quan điểm của nhiều người lâu nay rằng đó là nguyên nhân gây sao nhãng cho tài xế. Ngoài ra, việc tài xế nói chuyện phiếm với người khác, lắc lư theo nhạc trong xe gần như không làm tăng nguy cơ tai nạn giao thing.
Tai nạn đến từ khoảnh khắc mất tập trungNhận định về kết quả nghiên cứu, Gary Rae - chỉ huy chiến dịch của Brake, quỹ từ thiện hoạt động trong lĩnh vực an toàn giao thông - khẳng định: “Danh sách nguy cơ gây mất tập trung trong nghiên cứu của Đại học Công nghệ Virginia cho thấy việc bấm số điện thoại, với tay lấy điện thoại hoặc nhắn tin trên điện thoại là những nguy cơ lớn. Đây là lý do tại sao chúng tôi khuyến cáo lái xe tắt các thiết bị này và đặt ra ngoài tầm với của mình”.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, có đến 38% số tài xế thừa nhận họ đã thiếu tập trung trong khi lái xe. Đặc biệt, 12% số người được hỏi cho rằng việc thực hiện một cuộc gọi ngắn bằng điện thoại là có thể chấp nhận được.
Thế nhưng, ngay khi nghiên cứu được công bố, nhiều người đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng thực tế của các hành vi sao nhãng khi tham gia giao thông. Ông Simon Williams - phát ngôn viên của hãng dịch vụ xe hơi RAC - khẳng định: “Nghiên cứu dài hơi sử dụng video để ghi lại hành vi các tài xế sau vôlăng đã cho thấy, sự mất tập trung đặc biệt đáng quan ngại. Dẫn liệu này sẽ giúp chứng minh các hành vi gây sao nhãng là nguyên nhân gây tai nạn giao thông phổ biến như thế nào”.
“Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung, tài xế hoàn toàn có thể gặp một tai nạn làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình” - ông Williams nói thêm.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, 30% số vụ va chạm có thể tránh được nếu tài xế tập trung khi lái xe. Trong danh mục những việc cần tránh, đứng đầu là việc sử dụng thuốc hoặc đồ uống có cồn khi ngồi sau tay lái.
Nếu thực hiện các hành vi này khi lái xe, nguy cơ tai nạn sẽ cao gấp 35 lần bình thường. Nhắn tin hoặc lướt web cũng là mối nguy lớn làm tăng khả năng va chạm lên 6 lần. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là thủ phạm duy nhất chịu trách nhiệm cho biểu đồ tăng số vụ va chạm tại Mỹ trong những năm gần đây.
“Trong tương lai, nhu cầu kết nối và làm nhiều việc một lúc thông qua điện thoại có khả năng sẽ làm tăng số vụ va chạm do sao lãng, chủ quan” - TS Dingus kết luận.