Các bé trai và gái có thể bắt đầu tuổi dậy thì sớm nếu cha mẹ cũng từng dậy thì sớm. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cho rằng yếu tố di truyền đang ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì.

Con dậy thì sớm do di truyền từ cha mẹ	 - ảnh 1
Điều kiện môi trường có thể ảnh hưởng đến dậy thì sớm ở nữ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã xem xét thời gian dậy thì của 672 bé gái, 864 bé trai và liên kết chúng với cha mẹ các bé. Họ phát hiện những đứa trẻ có biểu hiện dậy thì sớm thường có cha mẹ dậy thì sớm.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, yếu tố di truyền và môi trường sống đã ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì”, Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Christine Wohlfahrt-Veje, người dẫn đầu nghiên cứu.

Tuy nhiên, dấu hiệu dậy thì sớm ở nữ, như ngực phát triển và xuất hiện lông mu, lại ít phụ thuộc vào yếu tố di truyền hơn ở nam. Điều kiện môi trường ảnh hưởng đến dậy thì ở nữ nhiều hơn, ông Christine Wohlfahrt-Veje nói thêm.

Nghiên cứu cũng cho rằng chiều cao trẻ dậy thì sớm có khả năng thấp hơn chiều cao trung bình khi trưởng thành. Các nhà khoa học giải thích do dậy thì làm xương phát triển mạnh trong giai đoạn này. Vì dậy thì sớm nên giai đoạn phát triển của xương cũng kết thúc sớm.

Ngoài ra, dậy thì sớm còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và gặp phải các vấn đề cảm xúc ở tuổi thiếu niên. Họ cũng có khả năng quan hệ tình dục sớm hơn, theo Daily Mail.

Một số nghiên cứu mới đây phát hiện dậy thì sớm có thể xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là bé gái tại các nước phát triển. Những yếu tố môi trường như chế độ ăn uống, dinh dưỡng và hóa chất có thể góp phần thúc đẩy dậy thì sớm.