Frank Flynn và Gabrielle Adams thuộc Đại học Stanford (California, Mỹ) khẳng định rằng, tiền không mua được trái tim và mức độ tình cảm thường không được đo đếm bằng giá trị kinh tế của các món quà người ta tặng nhau
Đây là kết luận của Frank Flynn - Phó Giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Stanford (California, Mỹ) và cộng sự Gabrielle Adams - sau khi tiến hành 3 khảo sát độc lập. Khảo sát thứ nhất được thực hiện trên các cặp đôi mua nhẫn đính hôn qua mạng.
Kết quả cho thấy, trong khi các khách hàng nam giới cho rằng nhẫn đắt tiền hơn sẽ khiến vị hôn thê của họ càng cảm thấy mình được xem trọng, chính các bà vợ chưa cưới của họ lại không chia sẻ quan điểm đó.
Trong khảo sát thứ hai, Frank Flynn và cộng sự yêu cầu những người tham gia nghĩ về món quà sinh nhật gần nhất họ đã trao hoặc được nhận. Rất nhiều món quà đã được nhắc đến như áo phông, đĩa CD, đồ trang sức, rượu vang, sách và các vật dụng trang trí nhà cửa. Kết quả cũng tương tự nghiên cứu thứ nhất, trong khi người trao quà nghĩ rằng món hàng đắt tiền hơn sẽ khiến người nhận cảm thấy mình được coi trọng hơn, bản thân người nhận quà nói rằng họ không hề thấy mình được tăng giá trị theo giá tiền của món quà.
Với khảo sát thứ ba, những người tham gia được yêu cầu nghĩ về việc trao hoặc được trao một chiếc đĩa CD hay Ipod như một món quà trong lễ tốt nghiệp. Một lần nữa, những người được chọn ngẫu nhiên làm “kẻ trao” nghĩ rằng chiếc iPod đắt đỏ sẽ được xem trọng hơn đĩa CD, trong khi “người nhận” không thấy có gì khác biệt về giá trị tình cảm giữa hai món quà.
Với kết quả thống nhất ở cả 3 khảo sát, Frank Flynn và Gabrielle Adams khẳng định rằng, tiền không mua được trái tim và mức độ tình cảm thường không được đo đếm bằng giá trị kinh tế của các món quà người ta tặng nhau. Do đó, khi muốn mua quà cho người mình yêu quý, bạn không cần quá băn khoăn, lo lắng khi điều kiện tài chính không cho phép chọn một món đồ đắt tiền.
Ngọc Hoan (Tổng hợp)