Đu đủ có thể coi là “thần dược” bởi quả của nó được dùng làm thức ăn, nhiều bộ phận của cây có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh tim, chứng mất ngủ, hay hồi hộp, đau lưng mỏi gối, viêm dạ dày mãn tính…

Đu đủ giống.
Đu đủ giống.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Về dụng cụ trồng, bạn nên lựa chọn mảnh đất trống, các chậu cây được làm bằng sứ, thùng xốp hoặc các chậu xi măng chuyên dụng cho cây cảnh. Kích thước mỗi chậu tối thiểu 90 x 40 x 40cm để cây sinh trưởng và phát triển. Chậu phải có lỗ thoát nước, đảm bảo thoát nước tốt.


Đất trồng

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…

Giống

Chọn giống đu đủ lai F1, loại chuyên trồng làm cảnh: Cây lùn, lóng đốt ngắn, giống sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, sai hoa, nhiều quả, chất lượng quả cao (thường là các giống có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc Đài Loan).

Nếu mua quả giống ở chợ, chọn quả chín, cắt bỏ phần đầu và phần cuống quả, lấy hạt ở phần giữa quả thả ngay vào nước, chọn hạt đen và chìm, rửa sạch màn nhớt bọc ngoài hạt, đem hong khô rồi gieo ngay.

Đu đủ rất dễ trồng.
Đu đủ rất dễ trồng.

2. Gieo hạt và trồng cây

Ngâm hạt trong nước khoảng 40 độ C trong 5 giờ, rồi tiến hành ủ hạt trong bao vải coton ẩm 4 - 5 ngày. Khi hạt nứt nanh nảy mầm đều thì mang gieo.

Gieo 2 - 3 hột trong bầu nhỏ để trừ hao khi hạt ít nảy mầm, sâu bệnh phá hại hay để tỉa bớt cây đực. Sau 10 - 15 ngày đu đủ sẽ nảy mầm.

Bạn có thể mua giống cây đã gieo ươm trong bầu. Nên chọn cây giống to mập, khỏe, sạch bệnh.

Khi đu đủ trong bầu có từ 4 - 5 cặp lá, cao 10 - 15cm thì đem trồng vào chậu. Dùng dao sắc rạch nhẹ gỡ bỏ vỏ nilon (không làm vỡ bầu). Đặt cho bầu và cây giống nằm ngang trên mặt đất xuôi theo hướng Đông - Tây. Vun đất quanh bầu. Nén chặt gốc và tưới đủ ẩm cho cây.

Trồng xong dùng que cắm để nâng ngọn cây cho ngóc lên, sao cho thân gốc đu đủ luôn nghiêng một góc 45 độ so với mặt luống từ khi trồng cho đến suốt quá trình sinh trưởng của cây. Tưới dưỡng ẩm hàng ngày.

Đu đủ bắt đầu ra hoa.
Đu đủ bắt đầu ra hoa.

3. Chăm sóc

Sau khi trồng cây lên chậu cần tưới ẩm ngày 1 - 2 lần, dùng rơm, rạ che phủ mặt chậu để hạn chế bốc thoát hơi nước và giữ ẩm cho cây.

Sau khi trồng đu đủ được 15 ngày, tiến hành bón lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê, phân gà… Cứ 15 ngày tiến hành bón đợt tiếp theo.

Đu đủ được coi là "thần dược" đối với sức khỏe.
Đu đủ được coi là "thần dược" đối với sức khỏe. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Đu đủ sau trồng 7 tháng đã có thể thu quả làm rau xanh, 9 tháng cho thu quả chín ăn tươi. Nếu thu quả để ăn tươi, nên thu khi trên quả xuất hiện các vết đốm hoặc sọc vàng nhạt (chín sinh lý), sau thu vài ngày quả sẽ chín hoàn toàn, chất lượng sẽ ngon nhất. Nếu thu sớm hơn (quả chưa chín sinh lý) quả ăn sẽ nhạt, giảm giá trị thương mại. Đu đủ có thể cho thu hoạch quanh năm.