Đa số việc uống bổ sung các loại vitamin và khoáng chất không mang lại lợi ích sức khỏe cho người sử dụng.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện St. Michael và Đại học Toronto (Canada) tiến hành đánh giá 179 thử nghiệm lâm sàng từ tháng 1/2012 đến tháng 10/2017 nhằm kiểm tra tác động của nhiều loại vitamin và khoáng chất bổ sung đến việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong. Chất dinh dưỡng được xem xét bao gồm vitamin A, B1, B2, B3 (niacin), B6, B9 (axit folic), C, D, E, khoáng chất β-carotene, canxi (Ca), sắt (Fe), kẽm (Zn), magiê (Mg) và selen (Se).

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, bốn chất bổ sung được dùng phổ biến nhất (vitamin tổng hợp, vitamin D, canxi và vitamin C) không có lợi ích đáng kể trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nói trên. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology(JACC) vào ngày 28/5.

Hầu hết vitamin và khoáng chất bổ sung không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nguồn: Ronstik

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, các chất dinh dưỡng bổ sung phổ biến nhất mà mọi người sử dụng có rất ít tác động tích cực đến sức khỏe. Việc bổ sung vitamin tổng hợp, vitamin D, canxi hoặc vitamin C không gây hại nhưng cũng không mang lại lợi ích rõ ràng”, David Jenkins, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Những ảnh hưởng đáng kể nhất được nhấn mạnh trong nghiên cứu đó là axit folic (vitamin B9) có thể giúp phòng ngừa bệnh tim hoặc đột quỵ. Trong khi đó, niacin (vitamin B3) và các chất chống oxy hóa có một tác động rất nhỏ trong việc làm tăng nguy cơ tử vong.

Nhóm nghiên cứu kết luận, một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm chưa qua chế biến như trái cây, rau củ và các loại hạt là cách hiệu quả nhất để hấp thụ vitamin và khoáng chất. Những người bổ sung các chất dinh dưỡng liều cao, vượt quá nhu cầu sử dụng của cơ thể, thậm chí có thể gây độc.

Rosemary Stanton, nhà dinh dưỡng học người Australia, tỏ ra đồng tình với phát hiện của nhóm nghiên cứu. Stanton kêu gọi mọi người nên tránh lãng phí tiền để bổ sung vitamin và những khoáng chất không cần thiết. “Các loại vitamin và khoáng chất bổ sung không thể sánh bằng chất dinh dưỡng có sẵn trong các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe”, Stanton nói.

Tuy nhiên, việc uống thêm vitamin và khoáng chất không phải là vô ích trong các trường hợp lâm sàng mà bệnh nhân cần phải bổ sung những chất này. Ví dụ,phụ nữ đang mang thai được khuyên nên bổ sung thêm vitamin B3, John Funder, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Australia), nhận định.

“Mọi người nên biết rõ về các chất dinh dưỡng bổ sung mà mình đang sử dụng. Chúng ta chỉ nên dùng chúng khi cơ thể có sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất, đồng thời cần uống theo sự tư vấn của các chuyên gia y tế”, Jenkins nói.