Bé gái 8 tuổi Nguyễn Lê Nhật Lam (Tây Ninh) vốn bị bại não đã được chữa trị khi ứng dụng kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước do Trung tâm tế bào gốc và Công nghệ gen, Bệnh viện đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City thực hiện.

Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị bại não ở trẻ em” do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc ĐKQT làm chủ nhiệm đề tài, sau khi được‎ Bộ KH&CN chính thức phê duyệt, đưa vào nghiên cứu áp dụng, đã có kết quả rất khả quan, mà cụ thể là những thành công bước đầu trong ghép tế bào gốc chữa bại não cho bé Nhật Lam.
Nhật Lam co quắp tay chân, không thể tự chủ trong mọi sinh hoạt khi bị bại não.
Nhật Lam co quắp tay chân, không thể tự chủ trong mọi sinh hoạt khi bị bại não.
Chờ chết vì chứng bệnh lạ
Bé Nguyễn Lê Nhật Lam (8 tuổi, ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), người từng được báo chí và công chúng xót xa nhắc tới vào giữa năm 2014 khi đối diện với tình trạng "chờ chết vì chứng bệnh lạ" đang phục hồi. Gần 1 năm bị bệnh tật hành hạ, em chỉ còn da bọc xương, tay chân co rút không cử động được, gần như sống thực vật…
Bé Nhật Lam chỉ là một trong hàng nghìn những em bé không may mắn bị mắc chứng bệnh bại não, một trong những dạng tàn tật chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em hiện nay.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cho biết: “Về trường hợp bé Lam, qua thăm khám và xác định bé mắc căn bệnh bại não, chúng tôi đã quyết định đưa Nhật Lam ra Hà Nội chữa trị bằng liệu pháp ghép tế bào gốc. Tận mắt nhìn thấy Nhật Lam hiện nay, nhiều người đã xúc động và khẳng định đó chỉ có thể gọi đó là sự "phục hồi kỳ diệu”.
Ông Nguyễn Công Thu - cha bé Nhật Lam cho hay, sau hơn 1 năm được truyền 4 lần tế bào gốc tại Vinmec (từ tháng 7/2014), hiện tại bé đã có thể ngồi ăn, tự ăn sữa, không còn nằm để mẹ đút từng thìa trên giường. “Con tôi đã bắt đầu tập nói, đã tự đi được 10 bước chân mà không cần người dìu, không còn chảy dãi, gồng cứng như ngày nào”, anh Thu nói.
Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, rất nhiều gia đình đến từ các tỉnh phía Nam và cả nước ngoài tìm đến Vinmec với một kỳ vọng "cứu cánh" vì trước đó đã chạy chữa nhiều nơi.
Ứng dụng tế bào gốc chữa bại não tại Việt Nam
Và sự hồi sinh kỳ diệu của bé sau 4 lần được ghép tế bào gốc tại Vinmec.
Và sự hồi sinh kỳ diệu của bé sau 4 lần được ghép tế bào gốc tại Vinmec.
Không chỉ Nhật Lam, nhiều em bé bị bại não nhiều năm, nhưng chỉ sau 1 – 2 lần ghép tế bào gốc tại Vinmec đã có chuyển biến kỳ diệu. Bé Trần Ngọc Gia B. (ở Bình Lục, Hà Nam) bị bại não do sinh non và sặc ối. Lên 5 tuổi, bé vẫn còn chưa biết lẫy, bò. Sau 2 lần chữa trị, bé đã kiểm soát đầu cổ tốt, có thể ngồi vững, đứng bám, đi men. Bé bắt đầu hiểu những lời nói đơn giản, biết tương tác với người khác, đôi tay cũng biết cầm nắm. Với kỳ vọng phục hồi hơn nữa, gia đình bé đang chuẩn bị cho đợt ghép thứ 3.
Giáo sư Liêm cho biết, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã thăm khám rất kỹ nhằm xác định từng trường hợp có phù hợp để ghép tế bào gốc hay không.
Khi đủ yêu cầu để ghép, quá trình tách chiết và ghép phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Sau đó, các bé tiếp tục được kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn tập phục hồi chức năng tại bệnh viện và tại nhà. "Quy trình được quản lý chặt chẽ, theo chuẩn quốc tế để nhằm đạt hiệu quả cao nhất" - Giáo sư Liêm nhấn mạnh.
Những em bé bại não như Nhật Lam, Gia B. đã và đang chữa trị bằng ghép tế bào gốc tại Vinmec hiện nay chỉ là một phần trong hàng nghìn trẻ vẫn phải sống chung với căn bệnh này.
Kiên trì, vượt qua mọi khó khăn để đưa thành tựu y tế tân tiến vào áp dụng tại Việt Nam, với thành công bước đầu trong việc ghép tế bào gốc chữa bại não, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự tại Vinmec mong muốn sớm có thể mở ra hướng điều trị tối ưu cho căn bệnh gây ra tỷ lệ tàn tật cao nhất ở trẻ em hiện nay.
Vinmec cũng xây dựng quy trình ghép chuẩn của phương pháp tiên tiến, hiện đại và đòi hỏi kỹ thuật cao này để có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em bị bại não trên cả nước.
Ở Việt Nam, theo điều tra tại một số tỉnh, thành phố, trẻ bại não chiếm 0,06 - 0,19% trẻ em, tạo nên một gánh nặng lớn đối với gia đình và xã hội. Bệnh nhi bại não đến khám và điều trị tại các khoa hoặc trung tâm Phục hồi chức năng chiếm khoảng 20-70%. Trên thế giới, bại não là một trong những dạng tàn tật chiếm tỉ lệ cao nhất ở trẻ em; hạn chế vận động, tinh thần, giác quan, hành vi cho trẻ. Bại não có thể xảy ra trong giai đoạn bào thai, trong và sau khi sinh, do những nguyên nhân ngạt khi sinh, não kém phát triển, xuất huyết não, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân, đa thai, nhiễm trùng máu sau sinh…