Tất cả các phương pháp ăn uống nhằm cắt giảm tối đa lượng carbohydrate như low–carb (giảm khoảng 1/4 lượng carbohydrate tiêu thụ), hay keto (thay thế hoàn toàn carbohydrate trong khẩu phần ăn bằng chất béo) đều đã được nhiều người áp dụng với hy vọng sẽ giúp họ cải thiện sức khỏe.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet lại đưa ra chỉ dẫn về lượng carbohydrate mà cơ thể cần nạp mỗi ngày, dựa trên nguyên tắc quen thuộc: mọi thứ đều nên vừa phải.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Sara Seidelmann - chuyên khoa tim mạch, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston (Mỹ) cho biết, dựa theo nghiên cứu trên, nhóm đã đề xuất một chế độ ăn “giàu thực phẩm thô chưa tinh chế, hoặc chế biến rất ít và không dùng các chất nhân tạo như rau củ, ngũ cốc, đậu và hạt, … giúp làm chậm tiến trình lão hóa hoặc để nó diễn ra một cách tự nhiên”.


Seidelmann cùng các cộng sự đã khảo sát chế độ ăn của hơn 15.400 người trưởng thành tại Mỹ và 432.000 người ở các quốc gia khác trên khắp thế giới, sau đó phân tích dữ liệu để tìm mối tương quan giữa chế độ ăn uống với tuổi thọ của những người tham gia. Kết quả phân tích cho thấy, những người có thói quen tiêu thụ lượng carbohydrate vừa phải – bằng khoảng một nửa lượng calo tiêu thụ mỗi ngày – thường có xu hướng sống lâu hơn. Ngược lại, những ai hấp thụ carbohydrate nhiều hơn 70% hoặc ít hơn 40% so với lượng calo nạp vào mỗi ngày thường đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.

Tại các nước thu nhập thấp, người dân thường gặp khá nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan tới chế độ ăn hằng ngày quá phụ thuộc vào cơm gạo (thiếu món thay thế), dẫn đến việc cơ thể phải nạp quá nhiều carbohydrate và sinh bệnh. Trong khi tại Mỹ, nhóm người theo đuổi chế độ ăn low-carb tham gia nghiên cứu lại có biểu hiện phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao nhất. Họ thường có xu hướng ăn nhiều thịt gà, bò, cừu, lợn, … để thay thế cho các loại thực phẩm giàu carbohydrate như đậu, hạt và các sản phẩm từ sữa, …

Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều thịt động vật sẽ chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Các số liệu phân tích của nhóm Seidelmann còn chỉ ra: một người 50 tuổi, nếu nạp vào cơ thể 50 – 55% năng lượng cần thiết mỗi ngày từ carbohydrate thì thường có tuổi thọ ước tính là 83.1 tuổi (tức sống lâu thêm được 33.1 năm), còn những ai chỉ nạp khoảng 30% năng lượng từ carbohydrate thì con số này giảm xuống 79.1 (tức sống được 29.1 năm nữa).

Mặc dù không phủ nhận hiệu quả của chế độ ăn low–carb trong việc giảm cân, song bác sĩ Seidelmann cũng lưu ý rằng cùng với những phương pháp khác như keto hay Atkins (loại bỏ dần tinh bột, tăng cường chất xơ), đó đều không phải là những chiến lược hợp lý về lâu dài.