Hiện nay, các nhà khoa học quan tâm tới việc thiết kế vắcxin trị liệu với mục đích tăng cường phản ứng miễn dịch cho những người đã bị lây nhiễm, thậm chí cho cả những người mắc các bệnh không lây nhiễm như khối u, ung thư.


PGS-TS Nông Văn Hải - Viện Nghiên cứu Gene - cho biết, trong các biện pháp can thiệp y tế, vắcxin được đánh giá là ít tốn kém nhưng có tác động lớn nhất tới việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nếu như các vắcxin truyền thống được sản xuất và hoàn thiện theo hướng phòng các bệnh lây nhiễm cấp tính thì hiện nay, các nhà khoa học quan tâm tới việc thiết kế vắcxin trị liệu với mục đích tăng cường phản ứng miễn dịch cho những người đã bị lây nhiễm - thậm chí cho cả người mắc các bệnh không lây nhiễm như khối u, ung thư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Telegraph, từ năm 2012, Công ty dược phẩm Vaxil Biotheraputics và các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv của Israel đã nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng một loại vắcxin dùng chung cho các bệnh ung thư. Thử nghiệm của các nhà khoa học căn cứ trên phân tử MUC1, được phát hiện ở 90 loại ung thư, có nhiều trên bề mặt tế bào bệnh. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vắcxin được bào chế từ phân tử MUC1 có thể giúp hệ miễn dịch ngăn nhiều loại ung thư phát triển trong cơ thể bệnh nhân.

Những thử nghiệm trên chuột trước đó cho thấy, vắcxin này tăng cường khả năng ngăn ngừa ung thư và kéo dài sự sống cho những con đã bị ung thư. Những thành công bước đầu này cổ vũ nhiều nhà khoa học trên thế giới theo đuổi việc tìm ra những loại vắcxin trị liệu mới giúp người mắc ung thư đẩy lùi bệnh tật, nâng cao chất lượng sống.

Về mục đích ngăn ngừa ung thư, vắcxin phòng ung thư cổ tử cung thông qua việc tạo miễn dịch với HPV (virus gây bệnh sùi mào gà) đã dần trở nên quen thuộc với người dân trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Ung thư Đan Mạch đã chứng minh rằng, vắcxin HPV có hiệu lực với phần lớn đối tượng sử dụng. Sau khi nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia, chương trình tiêm phòng HPV đã được triển khai ở Đan Mạch. Tại một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia..., việc tiêm vắc xin ngừa HPV đã được tiến hành đại trà tại các trường học.

PGS-TS Nông Văn Hải cũng cho biết, các vắcxin DNA đang được giới khoa học quan tâm nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó DNA được dùng thay cho protein để tạo phản ứng miễn dịch.