Theo TS-BS Nguyễn Đình Ngân cho biết, hiện nay có 2 nhóm phương pháp triệt tiêu độ cận là đeo kính và phẫu thuật.

Về kính, đơn giản nhất là đeo kính gọng phân kỳ, hoặc dùng kính tiếp xúc (kính áp tròng), bao gồm kính tiếp xúc ban ngày và kính tiếp xúc ban đêm (Ortho K). Cơ chế thông thường của Ortho K là làm giảm độ cong giác mạc giúp độ hội tụ của mắt giảm xuống, triệt tiêu độ cận.

Việc học tập trong môi trường thiếu sáng hoặc lạm dụng các thiết bị điện tử là yếu tố nguy cơ gây cận thị cho nhiều trẻ em. Ảnh: Phượng Hằng
Việc học tập trong môi trường thiếu sáng hoặc lạm dụng các thiết bị điện tử là yếu tố nguy cơ gây cận thị cho nhiều trẻ em. Ảnh: Phượng Hằng

Về phẫu thuật, có 2 phương pháp là tác động lên giác mạc hoặc nội nhãn. Trên giác mạc, phương pháp thông dụng hiện nay là sử dụng laser làm mỏng và làm giảm độ cong của giác mạc. Phương pháp này có nguy cơ gây nhãn lồi cho vùng giác mạc mỏng là vùng yếu khi áp lực bên trong nhãn cầu (nhãn áp) tác động lên. Vì thế khi phẫu thuật, phần giác mạc để lại phải đủ dày (280 micromet). Đây cũng là hạn chế của phương pháp này do không triệt tiêu các mắt có độ cận cao (từ 10-15 diop) do phần giác mạc còn lại sẽ quá mỏng.

Quy tắc trong mổ laser là thời gian thao tác càng ngắn càng tốt, độ chính xác càng cao càng tốt, để lại phần giác mạc càng dày càng tốt. Các phương pháp laser mới hiện nay (như femtosecond) có thể triệt tiêu độ cận và để lại giác mạc dày hơn so với phương pháp laser cũ.

Về phương pháp phẫu thuật tác động lên nội nhãn, bác sĩ sẽ đưa thấu kính phân kỳ vào trong nhãn cầu (có thể đặt trước mống mắt hoặc thủy tinh thể). Ưu điểm của phương pháp này là thay đổi độ dày của nhãn cầu, triệt tiêu được độ cận lớn (từ 15-20 diop), có thể thay thấu kính mới khi độ cận tăng. Tuy nhiên, phương pháp này can thiệp sâu vào nhãn cầu nên cần phẫu thuật viên có kinh nghiệm, hệ thống máy móc đo chính xác thấu kính trong mắt nên chi phí lớn, 70-80 triệu đồng cho 2 mắt. Khi có nhiễm trùng thì thường rất nặng.

Thay thủy tinh thể có độ hội tụ thấp hơn cũng là một cách triệt tiêu độ cận bằng phẫu thuật. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân trên 40 tuổi, thủy tinh thể bắt đầu đục, có tình trạng lão thị. Nhược điểm là sau khi thay thủy tinh thể nhân tạo, mắt sẽ không điều tiết co giãn được nên chỉ áp dụng với người đã mất khả năng điều tiết mắt.

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Chung, phương pháp mổ triệt tiêu độ cận chỉ dành cho người lớn bởi trục nhãn cầu đã ổn định. Ở người chưa trưởng thành, trục nhãn cầu còn phát triển, dài ra, nghĩa là mắt to ra nên còn thay đổi về khúc xạ, chưa nên can thiệp bởi sau khi mổ sẽ tái cận.