Theo một nghiên cứu mới đây, việc ăn chay thường xuyên có thể gây ra một dạng đột biến gen khiến con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già và bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Cornell đã tiến hành phân tích các chuỗi gen của người ăn chay ở Ấn Độ cũng như người không ăn chay ở Mỹ. Theo đó, người Ấn Độ với chế độ ăn chủ yếu dựa trên nền tảng rau củ quả đã phát sinh một biến dị gen khiến họ dễ mắc bệnh tim và ung thư ruột già.
“Gen biến dịăn chay đã tiến hóa trong cộng đồng người ăn chay suốt hàng trăm thế hệ. Nó có khả năng khiến họ dễ mắc các chứng viêm sưng và tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng như ung thư ruột già ở những người này," các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu đã kiểm tra mẫu gen của 234 người Ấn Độ ăn chay và 311 người Mỹ không ăn chay. Theo đó, gen biến dị gây nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư được phát hiện ở 68% số người Ấn Độ, tron khi ở người Mỹ con số này chỉ là 18%.
“Ở những nơi có truyền thống ăn chay, người dân nơi đó sẽ đặc biệt hấp thu lượng cao omega-6 (dầu và mỡ có liên quan tới bệnh tim và bệnh ung thư ruột già), và xu hướng này đang ngày càng mở rộng,” Tom Brenna, đồng tác giả nghiên cứu cho biết./.
Theo Vietnam Plus