Việc thực hiện những lời khuyên dưới đây không chỉ giúp những người mắc bệnh tim mạch kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình mà còn giúp những người bình thường giảm nguy cơ mắc bệnh lý này.
Bệnh tim mạch liên quan đến sự hoạt động quá sức, làm giảm khả năng làm việc của tim, tiêu biểu là các bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.
Bệnh tim mạch gây ra sự gián đoạn hoặc không cung cấp đủ oxy đến các cơ quan trong cơ thể, khiến các cơ quan này bị ngừng trệ hoạt động và phá hủy trực tiếp đến từng bộ phận dẫn đến tử vong. Nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này, lối sống lành mạnh sẽ là chìa khóa giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Cai thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố hàng đầu làm tăng số ca mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch. Khói thuốc có rất nhiều chất độc như nicotin, hắc ín, formaldehyt, cyanid… Chất nicotin trong thuốc lá có thể làm tăng co thắt động mạch vành, giảm lượng khí oxy đến tim, gây tăng huyết áp và gia tăng các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về tim mạch, những người bỏ thuốc làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch một cách đáng kể so với người tiếp tục hút. So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành của người hút thuốc lá tăng lên 1,6 lần. Nguy cơ đó tăng lên 3 lần ở những người hút từ 1-14 điếu thuốc/ngày và 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu/ngày.
Uống ít rượu
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng rượu mạnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Thực tế, việc uống nhiều rượu có thể làm tăng lượng triglyceride trong máu, dẫn đến xơ cứng mạch và thu hẹp lòng mạch máu, gây đau tim và đột quỵ.
Việc uống rượu điều độ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Ăn nhiều chất xơ
Các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Với một lượng từ 25-30 g chất xơ trong bữa ăn hàng ngày, bạn có thể hạn chế được mức cholesterol xấu (LDL) trong máu. Lượng LDL cao sẽ gây ra các mảng xơ vữa ở động mạch, làm cho động mạch trở nên hẹp và cứng. Khi động mạch bị tắc nghẽn thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Giảm chất béo bão hòa
Các axit béo bão hòa được sử dụng phổ biến nhất là axit lauric, axit myristic, axit palmitic và axit stearic. Chúng chiếm khoảng 9-10% năng lượng toàn phần của mỗi người. Mỗi loại axit béo bão hòa này đều có liên quan tới tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa mà bạn nên tránh là thịt đỏ, bơ, phomat, kem, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, dầu dừa…
Tăng cường trái cây tươi
Trong một báo cáo tại hội nghị thường niên 2014 của Hội Tim mạch học châu Âu, tiến sĩ Du Huaidong và các cộng sự tại Đại học Oxford cho biết, việc ăn trái cây tươi hằng ngày sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tim.
Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên bệnh nhân ăn trái cây tươi hằng ngày. Bên cạnh việc ngăn chặn nguy cơ bệnh tim mạch, nó còn tốt cho sức khỏe con người nói chung. Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể.
Cắt giảm muối
Muối là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, là loại thực phẩm có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, quá nhiều muối lại có thể dẫn tới những tác hại vô cùng nghiêm trọng, trong đó có bệnh về tim mạch.
Vì vậy, những người bệnh tim mạch cần có chế độ ăn nhạt, nên ăn dưới 3 g muối mỗi ngày.
Ăn cá
Cá là thực phẩm không thể thiếu đối với những người mắc bệnh tim mạch do chứa nhiều Omega-3. Chất này có rất nhiều công dụng đối với hệ tim mạch như hạ huyết áp, giảm triglycerids máu, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ… Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá hồi hồ và cá ngừ là những nguồn Omega-3 dồi dào cho cơ thể.
Kiểm soát cân nặng
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường và quá mức tại một vùng cơ thể hoặc toàn thân, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là tim mạch. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, chất béo, đặc biệt là mỡ trong ổ bụng ảnh hưởng đáng kể đến sự trao đổi chất của cơ thể. Mặt khác, nó còn làm tăng lipid trong máu và cản trở hoạt động của hormone insulin.
Chỉ số BMI (Body Mass Index) tăng lên thường kéo theo tăng huyết áp, tăng acid béo bão hòa, triglycerid, lượng đường trong máu và các phản ứng viêm. Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý về tim mạch, điển hình nhất là bệnh xơ vữa động mạch vành.
Chỉ số BMI chuẩn với con người là từ 18,5-25.
Tích cực hoạt động thể chất
Thể dục thể thao luôn đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người, phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Các nhà khoa học cũng đã có khá nhiều nghiên cứu minh chứng lợi ích to lớn của việc tập luyện thể dục thể thao trong việc phòng chống các bệnh lý tim mạch và biến chứng nguy hiểm do nó gây ra.
Cường độ tập luyện được khuyến cáo là 30 phút/ngày với 5 ngày/tuần. Hãy luyện tập bằng cách đi làm bằng xe đạp, đi bộ hay chơi những môn thể thao nhẹ nhàng như cầu lông, đá cầu…
Tập thời quen đọc nhãn sản phẩm
Khi mua sắm bất kỳ một sản phẩm nào, người tiêu dùng nên tập thói quen đọc nhãn mác. Việc này có thể giúp họ xem trong sản phẩm đó có bao nhiêu calo, chất béo, muối, đường… để chủ động lựa chọn sao cho phù hợp với kế hoạch ăn lành mạnh của mình.