Trong nghiên cứu về xử lý nước thải cho làng nghề làm bún Đa Mai thuộc TP. Bắc Giang, đăng trên tạp chí Khoa học Tài nguyên và môi trường, PGS.TS Bùi Thị Kim Anh và nhóm nghiên cứu tại Viện CN môi trường đã thử nghiệm khả năng xử lý nước thải và khả năng chống chịu của 3 loài thực vật quen thuộc và dễ tìm là thủy trúc, rau muống và khoai nước.

Các nhà khoa học đánh giá chất lượng nước qua độ pH, chỉ số COD và TSS.

Kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa Hệ 1 (có vật liệu lọc gồm đá vôi, sỏi, cát và có trồng cây) và Hệ 2 (có vật liệu lọc nhưng không trồng cây). Các loài thực vật giúp tăng hiệu quả xử lý hợp chất hữu cơ và dinh dưỡng phức tạp ô nhiễm trong nước thải. Các loài thực vật thích nghi tốt trong môi trường nước thải đã qua xử lý biogas và có thể sắp xếp khả năng chống chịu (cây sống được) theo chiều giảm dần như sau: Thủy trúc > khoai nước > rau muống. Hiệu quả xử lý của thủy trúc cũng vượt trội so với các loài còn lại với hiệu suất xử lý (khả năng loại bỏ chất ô nhiễm trong nước thải) từ 82,3 - 98,4%. Rau muống có hiệu suất xử lý thấp nhất chỉ từ 69,3 - 90,4%. Khoai nước xử lý tốt hơn rau muống đáng kể tuy nhiên lại thấp hơn so với thủy trúc. Có thể thấy thủy trúc là loài thực vật phù hợp nhất trong hệ bãi lọc bằng cây để xử lỷ nước thải tại làng nghề Đa Mai.

Kết quả khả quan cho thấy mô hình này có thể áp dụng thành công ở làng bún Đa Mai, đồng thời có ý nghĩa để tham khảo với nhiều làng nghề khác gặp tình trạng tương tự.

Một số mô hình xử lý nước thải sử dụng bãi lọc trồng cây nhân tạo của nhóm nghiên cứu thực hiện. Nguồn: Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Một số mô hình xử lý nước thải sử dụng bãi lọc trồng cây nhân tạo của nhóm nghiên cứu thực hiện. Nguồn: Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.