Trong lễ ký thỏa thuận hợp tác diễn ra chiều 17/1, ông Nguyễn Đình Nam – Tổng giám đốc Công ty cổ phần VP9 - cho biết, công ty này sẽ dành khoảng 10 tỷ đồng cho việc tài trợ, đặt hàng các hoạt động nghiên cứu hợp tác với Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông Nguyễn Đình Nam cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2016, VP9 và Đại học Công nghệ đã hợp tác nghiên cứu cải tiến 3 sản phẩm và đạt kết quả tốt.“Chúng tôi tình cờ biết được Đại học Công nghệ có những nghiên cứu khớp với sản phẩm của VP9 (xử lý video). Vì thế, ngay khi có khách hàng, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là cải tiến sản phẩm và hướng tới việc đặt hàng tại các trường đại học – cái nôi của những nghiên cứu tiên phong, tạo ra giá trị nền tảng cho sản phẩm. Với sự kết hợp này, sản phẩm của VP9 sẽ có được sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhất trong tình hình VP9 đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ hàng Trung Quốc” - ông Nam cho biết.


Ông Nguyễn Đình Nam và PGS-TS Nguyễn Việt Hà (ĐH Công nghệ) ký thỏa thuận
hợp tác. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN, đây là mô hình kết hợp tự phát và đáng biểu dương trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam: "Việc anh Nguyễn Đình Nam với tư cách là cựu sinh viên quay lại đầu tư cho các hoạt đông nghiên cứu của nhà trường đã tạo ra nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên. Đồng thời, công ty cũng khai thác được nguồn lực chất lượng cao, giải quyết việc làm cho sinh viên và đặt hàng nghiên cứu của nhà trường theo đúng yêu cầu thực tế của xã hội”.

Đại diện Đại học Công nghệ, Công ty VP9 và Bộ KH&CN chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Quất cũng cho biết Bộ KH&CN sẽ kết hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học.

Bên cạnh những chính sách ưu tiên của Nhà nước, để phát triển mô hình kết hợp như giữa VP9 và Đại học Công nghệ, ông Lê Thanh Hà – giảng viên Đại học Công nghệ - cho rằng vấn đề cốt lõi là hai bên phải tìm ra điểm chung; nhà trường và doanh nghiệp cần tư duy ở vị trí của nhau.

“Lâu nay, các thầy dù được đào tạo bài bản nhưng tư duy theo hướng học thuật, tạo ra những thứ mới nhưng không cần thiết cho cuộc sống. Các doanh nghiệp thì không quan trọng sản phẩm đó có ý nghĩa học thuật như thế nào, mà chỉ quan tâm đến việc nó có chạy được trên thị trường hay không. Khi tìm được điểm chung, hai bên mới có thể hình thành các nhóm nghiên cứu. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm tốt nhất, giá thành hợp lý nhất chứ không phải thứ cực kỳ tốt, thời gian nghiên cứu rất lâu và chi phí đắt đỏ” – ông Hà nhấn mạnh.