Ứng dụng công nghệ này giúp giảm 30% khối lượng công việc tra cứu các văn bản pháp luật, hỗ trợ hoạt động tố tụng so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án hiện hành.

f
Đội ngũ kĩ sư đã tham khảo và thử nghiệm các mô hình ngôn ngữ lớn, song song đó hệ thống tích hợp các mô hình học sâu cũng như các thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa. Ảnh: Viettel

Trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ, và hơn 1 triệu bản án trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án Nhân dân tối cao cung cấp. (Theo Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án).

Cơ sở dữ liệu tri thức pháp luật này cho phép người dùng dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật, hỗ trợ hoạt động tố tụng.

Sau hơn một năm thử nghiệm, đã có hơn 3 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000 – 6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày, giúp giảm 30% khối lượng công việc, thời gian so với thao tác truyền thống. Tính đến tháng 8/2023, trợ lý ảo pháp luật đã hỗ trợ hơn 12.000 tài khoản cho 100% thẩm phán, cán bộ công chức của Tòa án.

Khác với hệ thống tìm kiếm thông thường, trợ lý ảo pháp luật có thể chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ; Hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể; Giới thiệu những bản án, quyết định của Tòa án tương tự để tham khảo; Hỗ trợ thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; và trong tương lai sẽ có thể hỗ trợ đưa ra đoán định tư pháp.

Hệ thống được phát triển dựa trên Nền tảng trợ lý ảo Tiếng Việt (Viettel Cyberbot), một sản phẩm thuộc hệ sinh thái Viettel AI, đã được ứng dụng thành công trong các dịch vụ tổng đài ảo phục vụ phòng chống Covid-19, giải đáp thông tin về hành chính công, tổng đài chăm sóc khách hàng...

j
Hệ thống được thiết kế riêng cho ngôn ngữ tiếng Việt do đó có khả năng xử lý vượt trội về phương ngữ của nhiều vùng miền. Ảnh: Viettel

Để trợ lý ảo pháp luật có thể đạt được sự tự nhiên và gần gũi trong câu trả lời, đội ngũ kĩ sư Viettel đã tham khảo và thử nghiệm các mô hình ngôn ngữ lớn, song song đó hệ thống tích hợp các mô hình học sâu (Deep learning) cũng như các thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa (Semantic Search) cho phép các kiểm soát viên dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật.

Đây là hệ thống được thiết kế riêng cho ngôn ngữ tiếng Việt do đó có khả năng xử lý vượt trội về phương ngữ của nhiều vùng miền, giọng đọc giống đến 96% giọng người thật.

Viettel cho biết Tập đoàn mong muốn “cung cấp trợ lý ảo pháp luật cho người dân Việt Nam, hỗ trợ người dân đoán định được tình huống pháp lý mà mình gặp phải, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập pháp luật cũng như giảm tải cho hệ thống toà án nói chung”. Triển khai thử nghiệm thành công trong ngành Tòa án cũng là bước đà để Viettel xây dựng và phát triển thành công trợ lý ảo cho cán bộ công chức nhà nước, góp phần xây dựng Chính phủ số.