Các chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vừa họp mặt trực tuyến để trao đổi những nghiên cứu, giải pháp và sản phẩm công nghệ ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hậu Covid-19.
Diễn ra dưới hình thức online trong hai ngày 20 – 21/11/2021,
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ hai với chủ đề “Chuyển mình: Giá trị mới - Cách thức mới” đã thu hút được sự quan rộng rãi. Ban tổ chức cho biế đã ghi nhận kỷ lục gần 1.500 người tham gia cùng lúc tính riêng trên các kênh livestream trong thời gian diễn ra.
Tại phiên toàn thể và 8 phiên chuyên đề, hơn 30 diễn giả uy tín và gần 50 khách mời là các trí thức, doanh nhân, nhà quản lý trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ, cập nhật những tiến bộ về KH&CN cũng như cùng nhau thảo luận các giải pháp cho những vấn đề phát sinh trong giai đoạn hậu Covid.
Trong đó, bác sĩ, đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (ĐH Y Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường đầu tư hệ thống y tế dự phòng, ứng dụng công nghệ thông tin trong thăm khám chữa bệnh từ xa và đào tạo nguồn nhân lực y tế; PGS. Trần Đăng Xuân (ĐH Hiroshima) nêu những vấn đề nông nghiệp mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt; PGS. TS. Đỗ Đức Tôn (ĐH Nazarbayev) tóm tắt các nghiên cứu liên quan đến xây dựng một hệ thống điện 100% năng lượng tái tạo; và GS. Tạ Cao Minh (ĐH Bách khoa Hà Nội) đề cập công nghệ của xe điện cho tương lai.
Về phía mình, các đại diện doanh nghiệp chia sẻ những công nghệ then chốt trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh và bảo mật thông tin của Việt Nam và Nhật Bản. Các doanh nghiệp như FPT Japan và Rikkeisoft đã so sánh thực trạng chuyển đổi của hai quốc gia, đồng thời nhận định Việt Nam là một thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và có nguồn nhân lực tài năng có thể kết hợp với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhiều diễn giả đề cập thị trường lao động, cơ hội việc làm và hành trang mà sinh viên và người lao động cần có trong tương lai hậu Covid. Giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam trình bày những dự án đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Ông Phạm Minh Hùng (Deha Solution) đã mang đến những chia sẻ về thay đổi của doanh nghiệp trong phương pháp tuyển dụng cũng như đào tạo nhân lực trong Covid-19. Trong khi bà Angela Phạm Ngọc (Google Đông Nam Á) nói về những giải pháp cải thiện kỹ năng của bản thân trong thời đại Covid với tư cách là nhà tuyển dụng.
DXem lại video và tóm tắt nội dung các phiên thảo luận tại đây./.
Ra mắt Tuyển tập KH&CN Nhật Bản kỳ đầu tiên Ngày 20/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2021, Dự án xây dựng Tuyển tập KH&CN Nhật Bản đã ra mắt tập đầu tiên.
Dự án do Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) cùng với Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnamese Academic Network in Japan, VANJ) và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nhật (VJOIN) triển khai từ năm ngoái và phát hành định kỳ nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về KH&CN nói chung và nhất là của Nhật Bản cho đông đảo người Việt trong và ngoài nước.
Tuyển tập kỳ đầu tiên dài 272 trang, gồm 35 bài nghiên cứu công phu về nhiều lĩnh vực như khoa học cơ bản, vật liệu, điện tử, robot, xây dựng, môi trường, nông nghiệp, y sinh và cả những nghiên cứu về chính sách KH&CN. Tác giả các bài báo là giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản và người nước ngoài đang công tác tại Nhật Bản. Tuyển tập đã đăng ký số xuất bản và các bài viết trong tuyển tập đều được đăng ký DOI.
Các ấn phẩm của Dự án được đăng tải trên trang http://jst.vanj.jp/ và người đọc có thể truy cập hoàn toàn miễn phí.
|
Ngô Hà