Chiều 5/10, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm cấp cao về “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển – Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam –Thụy Điển" nhằm chia sẻ những triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tọa đàm cấp cao về “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển – Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam –Thụy Điển", có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, bà Ann Linde - Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU của Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cùng nhiều đại diện các bộ, ngành.
Các đại biểu tại lễ ký kết Ý định thư, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU Ann Linde, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga (thứ tự từ phải qua trái). Ảnh: Loan Lê.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Thụy Điển là quốc gia có các lợi thế vượt trội so với Việt Nam xét cả quy mô và tiềm lực của nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo luôn ở tốp đầu EU và thế giới”.
Nhấn mạnh về việc đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cho KH&CN thời gian qua của Việt Nam, với 3 khu công nghệ cao quốc gia, 8 khu công nghệ thông tin tập trung, 12 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia... Bộ trưởng cho rằng về quy mô và tiềm lực của Việt Nam có nhiều thuận lợi cho việc hợp tác hai bên.
Theo đó Bộ trưởng đưa ra 3 hướng có thể hợp tác gồm:
- Triển khai các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung giữa các viện nghiên cứu, trường đại học của hai nước trong các lĩnh vực cả Thụy Điển và Việt Nam có thế mạnh và nhu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu;
- Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ; thúc đẩy trao đổi các đoàn cán bộ quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam và Thụy Điển và ngược lại. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu và làm chủ các công nghệ cao từ Thụy Điển trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như: Cải thiện hạ tầng giao thông và đô thị thông minh; công nghệ sau thu hoạch và chế biến thực phẩm; đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
- Thúc đẩy trao đổi các đoàn cán bộ quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam và Thụy Điển; Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách KH&CN của Việt Nam.
Đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được, bà Ann Linde cho rằng, Thụy Điển luôn luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam.
"Chúng tôi ấn tượng về những tiến độ mà Việt Nam đã đạt được. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm mà Thụy Điển có trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi tin tưởng những nỗ lực này sẽ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước cũng như năng lực cạnh tranh của hai quốc gia thông qua các chương trình đối tác giữa hai nước và tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam" - bà Ann Linde bày tỏ.
Bà Ann Linde chia sẻ, trước đây Thụy Điển là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Âu nhưng hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi có một động lực không ngừng dành cho đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh thế giới kỹ thuật số của chúng ta ngày càng thay đổi nhanh chóng, chúng tôi vẫn luôn tiếp tục nỗ lực và thúc đẩy đẩy tăng trưởng kinh tế. Những thành tựu của đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực vực khoa học công nghệ khác nhau đã giúp Thụy Điển ngày càng thay đổi rõ rệt" - bà Ann Linde chia sẻ.
"Để tăng cường năng lực của nền kinh tế cũng như năng lực xã hội chúng tôi đã không ngừng huy động sự đóng góp của tất cả các bên có liên quan từ doanh nghiệp cho đến các cơ quan nghiên cứu. Như vậy thì với quan hệ ba nhà đã trở thành trọng tâm và cốt lõi cho mọi thành công của Thụy Điển. Mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu cũng trở thành một công cụ không thể thiếu được dẫn dắt sự tăng trưởng trong nền kinh tế của chúng tôi" - bà Ann Linde nói.
Sau khi trao đổi, hai bên đã thống nhất cùng nhau ký kết ý định thư thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và xây dựng năng lực giữa các bên.