Sau ba giai đoạn khảo nghiệm với kết quả tốt, từ cuối tháng 7/2024, Philippines đã cho phép lưu hành và thương mại tự do vaccine dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất.

s
Ông Engr. Rosendo O.So (phải), bà Pinky Pe Tobiano và ông Nguyễn Văn Điệp (giữa) cùng kiểm tra lô hàng vaccine trước khi vận chuyển sang Phillippines. Ảnh: C.K

Ngày 26/8, đoàn công tác của Philippines gồm ông Engr. Rosendo O.So, Chủ tịch Cơ quan Khuyến nông Philippines SINAG, và bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc công ty nhập khẩu và phân phối thuốc dinh dưỡng và phụ gia thức ăn chăn nuôi KPP Powers Commodites Inc, đã đến nhà máy sản xuất ở Hưng Yên để nhận lô hàng 150.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE phòng dịch tả lợn châu Phi của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam.

Lô hàng này nằm trong số 600.000 liều vaccine mà Chính phủ Philippines đã ký kết nhập khẩu từ Việt Nam để phân phối tới các trang trại chăn nuôi. Tổng cộng 350 triệu Peso (~155 tỷ đồng) đã được Bộ Nông nghiệp Philippines phân bổ để tài trợ cho việc mua vaccine AVAC ASF LIVE, ống tiêm và các nhu yếu phẩm khác cho việc triển khai sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại Philippines.

AVAC ASF LIVE là vaccine nhược độc đông khô được nuôi cấy trên dòng tế bào DMAC [Diep’s Macrophage Cell] do công ty tự phát triển. Vaccine dùng cho lợn từ bốn tuần tuổi trở lên với khuyến cáo tiêm một liều duy nhất và thời gian bảo vệ miễn dịch ít nhất năm tháng.

Hiện một liều tiêm vaccine cho heo giá từ 61.000 – 69.000 đồng. Đại diện AVAC cho biết, mức giá này là cao nên công ty lên kế hoạch sau thời gian thương mại sẽ có lộ trình giảm giá để phù hợp cho người chăn nuôi.

Việt Nam là nước đầu tiên phát triển thành công và thương mại hóa loại vaccine tả lợn châu Phi từ tháng 7/2023. Philippines là quốc gia thứ hai ngoài Việt Nam cho phép lưu hành vaccine này.

TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc AVAC, cho biết đến nay công ty đã cung ứng hơn 2,6 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi ra thị trường, gồm 2,3 triệu liều trong nước, 300.000 liều xuất sang Philippines, và 5.000 liều xuất sang Nigieria. Công ty cũng gửi sản phẩm đi khảo nghiệm và chờ đăng ký lưu hành tại một số quốc gia: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar, Nigieria…

Do thế giới vẫn chưa có tiêu chuẩn về vaccine bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nhiều quốc gia vẫn đang chờ đợi hướng dẫn củaTổ chức Thú y thế giới để đánh giávaccine. Dự kiến năm 2025 sẽ có tiêu chuẩn về vaccine dịch tả heo châu Phi để các nước có hướng dẫn xây dựng quy trình an toàn riêng.

Tại Việt Nam, ngoài AVAC, còn có Navetco và Dabaco cũng nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2019, Việt Nam có gần 6 triệu con lợn chết hoặc bị thiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang bùng phát trên diện rộng, với tỷ lệ nhiễm đàn có thể lên tới 80 - 90% ở các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, và 40-50% ở những công ty chăn nuôi lớn.

Philippines: Vaccine giúp giảm vùng đỏ dịch tả lợn châu Phi

Ông Rosendo cho biết, vaccine của Việt Nam đã qua ba giai đoạn khảo nghiệm ở Philippines.

Giai đoạn 1 và 2 triển khai từ tháng 2 đến tháng 9/2023, tiêm 1.000 con lợn tại chín trại chăn nuôi. Kết quả cho thấy vaccine an toàn, đáp ứng miễn dịch lên tới 100%.

Giai đoạn 3 triển khai từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, đã nhập khẩu 300.000 liều vaccine, trong đó đã tiêm cho 150.000 con lợn tại 30 trang trại quy mô lớn, phần còn lại tiêm cho các trang trại quy mô nhỏ. Kết quả cho thấy tất cả lợn đã tiêm phòng vaccine đều an toàn, tỷ lệ bảo hộ hơn 95% và gần như không bị xảy ra dịch bệnh.

"Chúng tôi hi vọng sẽ giải quyết được dịch tả lợn châu Phi bằng giải pháp vaccine", ông Rosendonói với báo chí trong chuyến thăm thực địa ở Hưng Yên.

“Cục Thú y Phillippines đã báo cáo kết quả khảo nghiệm vaccine AVAC ASF LIVE an toàn và hiệu quả tới Tổ chức Thú y thế giới tại cuộc họp ngày 15/2/2024”, ông cho biết thêm.

Đại diện AVAC dẫn đoàn Philippines đi thăm trang trại lợn sử dụng vaccine. Ảnh: nongnghiep.vn
Đại diện AVAC dẫn đoàn Philippines đi thăm trang trại lợn sử dụng vaccine ở Hưng Yên. Ảnh: nongnghiep.vn

Trong cuộc họp báo tại Philippines hồi cuối tháng Bảy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philiippines (Bộ Y tế) đã công bố cho phép lưu hành thương mại sản phẩm vaccine AVAC ASF LIVE do Việt Nam sản xuất. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Philippines cũng công bố triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi trên diện rộng vào quý III/2024.

Tính đến giữa tháng 7/2024, Philiippines báo cáo có khoảng 403 vùng đỏ và 737 vùng hồng về dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Vùng đỏ được định nghĩa là các đô thị hoặc thành phố có ca mắc dịch tả lợn châu Phi được xác nhận, có khả năng lan rộng sang các phường khác trong cùng đô thị trong vòng 15 ngày; trong khi vùng hồng là những thành phố hoặc đô thị sát vùng đỏ nhưng chưa phát hiện ca bệnh.

Theo cuộc họp báo của Phillipines, việc triển khai vaccine sẽ hoàn toàn tự nguyện và ưu tiên cho các trang trại thương mại đủ điều kiện, các doanh nghiệp bán thương mại và các trang trại hộ gia đình tập trung ở vùng đỏ và vùng hồng dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp.

Philippines đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Kể từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên vào năm 2019, sản lượng lợn ở nước này đã giảm từ mức 2,3 triệu tấn hồi năm 2019 xuống còn 1,7 triệu tấn hồi năm 2021.

Để chống lại những tác động tàn phá của dịch tả lợn châu Phi, chính quyền Philippines đã triển khai hai chương trình song song: sáng kiến INSPIRE cho các nỗ lực phục hồi và tái đàn, và sáng kiến BABay cho các cách tiếp cận dựa vào y tế công cộng (bao gồm vaccine) để ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý dịch tả lợn châu Phi.

Những sáng kiến này đã mang lại cho Philippines sự gia tăng ổn định về sản lượng lợn: Năm 2023 ghi nhận sản xuất 1,8 triệu tấn lợn. Khoảng 480 khu vực vùng đỏ đã được chuyển sang vùng hồng, và 104 khu vực từ vùng hồng đã được nâng cấp thành vùng vàng, an toàn hơn.