Ngày 16/10/2019, Hội nghị Đổi mới sáng tạo châu Á đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, quy tụ 150 nhà nghiên cứu, doanh nhân công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ 7 quốc gia Châu Á - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam - và các chuyên gia, nhà đầu tư công nghệ từ Vương quốc Anh.

Đoàn Việt Nam tham dự với 24 đại biểu đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu hàng đầu như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, v.v. và một số start-up công nghệ tiêu biểu.

Sự kiện do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Văn phòng Hợp tác Công-Tư về Công nghệ cao Malaysia (MIGHT) đồng tổ chức, kỉ niệm 5 năm chương trình đào tạo Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (LIF) cho các nhà khoa học và start-up tại các nước đối tác của Quỹ Hợp tác Khoa học Công nghệ Newton.

Cũng nhân dịp này, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh đã công bố cổng thông tin trực tuyến https://lif.raeng.org.uk/ giới thiệu các sản phẩm và giải pháp sáng tạo thuộc chương trình LIF. Tại đây, các nhà đầu tư, người dùng và những người quan tâm khác có thể dễ dàng tìm hiểu nhanh về hơn 100 sản phẩm công nghệ mới, thú vị và kết nối trực tiếp với người sở hữu sản phẩm. Đồng thời, website còn là nền tảng để chính các kỹ sư, nhà nghiên cứu và những người sáng tạo công nghệ trong cộng đồng LIF từ khắp nơi trên thế giới hợp tác và học hỏi lẫn nhau, từ đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực trên đổi thế giới.

Thực tế cho thấy tinh thần doanh nhân là vô cùng cần thiết để các nhà nghiên cứu thực hiện các hoạt động chuyển giao hoặc thương mại hóa công nghệ. Từ năm 2014, chương trình LIF đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các nền kinh tế mới nổi bằng cách hỗ trợ gần 1.000 nhà nghiên cứu, doanh nhân công nghệ nổi bật. Đến nay tổng số vốn các học viên đã huy động thành công là hơn 80 triệu Đô la Mỹ. Một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình là lựa chọn các sáng kiến có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội ở nước sở tại và thậm chí là xa hơn thế. Bằng những sản phẩm như máy lọc nước chi phí thấp, các loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, hay các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể và công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật, v.v., cộng đồng LIF đang nỗ lực góp phần tạo ra thay đổi ở hầu hết mọi lĩnh vực công nghiệp.

Một số sản phẩm tiêu biểu của chương trình LIF có thể kể đến là:

Thiết bị lọc các chất ô nhiễm không khí, sử dụng công nghệ internet vạn vật, do anh Amol Chaphekar, Ấn Độ thiết kế.

Nền tảng hướng nghiệp trực tuyến Youthmanual giúp 138 triệu thanh niên Indonesia kết nối với các chương trình giáo dục, các khóa đào tạo nghề và việc làm, do anh Rizky Muhammed, Indonesia xây dựng.

Bộ chẩn đoán độ thuần chủng hạt giống dựa trên công nghệ ADN nhanh hơn 100 lần so với các phương pháp truyền thống, của TS. Wirulda Pootakham, Thái Lan, hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp hạt giống.

Hệ thống công nghệ và thiết bị sản xuất nước ép trái cây nhiệt đới cô đặc để xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường châu Âu, của TS. Nguyễn Minh Tân, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tiến sỹ Mohd Yusoff Sulaiman, Giám đốc Văn phòng Hợp tác Công-Tư về Công nghệ cao Malaysia (MIGHT) chia sẻ: “Hội nghị Đổi mới sáng tạo châu Á 2019 là nơi tập hợp các sản phẩm đổi mới sáng tạo tốt nhất trong khu vực và là nơi kết nối các công nghệ mới nhất và tiềm năng nhất với doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đưa những người sáng tạo lên sân khấu trung tâm và thể hiện khả năng của mình với thế giới”.

Tiến sĩ Mike Short, Viện sỹ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Cố vấn trưởng về Khoa học, Bộ Thương mại Quốc tế Anh, diễn giả chính tại hội nghị cho biết: “Sau 5 năm hoạt động, chương trình LIF đã tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Gần 1.000 nhà phát minh đầy triển vọng hưởng lợi từ chương trình và đã trở thành một phần của cộng đồng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hội nghị Đổi mới sáng tạo châu Á là cơ hội tuyệt vời để triển lãm một số dự án hay nhất từ khắp châu Á mà chúng tôi tự hào được hỗ trợ”.

Theo thông tin từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) - Đơn vị phối hợp triển khai 05 khoá đào tạo (từ LIF1 đến LIF5) thuộc Chương trình LIF tại Việt Nam: "Sau 5 năm tổ chức, đã có 68 nhà khoa học, nhà sáng chế của Việt Nam tham gia chương trình LIF. Chương trình rất thiết thực vì đã mở ra nhiều cơ hội cho các học viên Việt Nam kết nối với mạng lưới các nhà nghiên cứu, chuyên gia cố vấn và tư vấn quốc tế. Các học viên tham gia khoá học tại Vương quốc Anh được học và thực hành các kỹ năng thương mại hoá như xây dựng mô hình kinh doanh, thuyết trình, tìm kiếm khách hàng, v.v và từ đó hoàn thiện hơn kế hoạch thương mại hoá kết quả nghiên cứu của mình."